“Bắt nhịp” chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh theo 3 định hướng hợp tác - liên kết - thị trường, hiện nhiều nông dân tại các tổ hợp tác (THT) trên địa bàn huyện Tháp Mười đã chủ động tìm đến doanh nghiệp bao tiêu, sau đó vận động tổ viên trồng theo yêu cầu của doanh nghiệp... Mô hình liên kết trồng hoa thiên lý ở xã Mỹ Đông là một điển hình cho cách làm ăn này.

 Tổ viên Tổ hợp tác Nhân Thịnh Phát thu hoạch bông thiên lý
Tổ viên Tổ hợp tác Nhân Thịnh Phát thu hoạch bông thiên lý


Chia sẻ về cơ duyên đến với mô hình này, ông Lê Tấn Bền (Tổ trưởng THT sinh vật cảnh Nhân Thịnh Phát, ấp 2, xã Mỹ Đông) - người chủ động tìm đến doanh nghiệp thực hiện mô hình liên kết này, cho biết: “Một lần đến chơi nhà hàng xóm tình cờ gặp Giám đốc Công ty Hưng Thịnh Phát, tôi đặt vấn đề với ông về việc liên kết cùng công ty bao tiêu hoa thiên lý. Thấy lợi ích từ đôi bên nên lãnh đạo công ty đồng ý thực hiện. Tôi lập tức về đề xuất với Hội Nông dân xã cho phép vận động thành lập THT sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh Nhân Thịnh Phát với 11 tổ viên và vận động tổ viên trồng rau cung ứng cho doanh nghiệp”.

Với diện tích ký kết là 3,4ha (đến thời điểm này thực hiện được 2,8ha, hiện vùng rau thiên lý đã trồng được gần 4 tháng và đang thu hoạch bông gió), thời gian hợp đồng liên kết trong 3 năm, với giá 25.000 đồng/kg. Theo thỏa thuận nông dân sản xuất rau theo yêu cầu của doanh nghiệp thu mua về lịch thời vụ, thời gian cách ly phân, thuốc trước khi thu hoạch; doanh nghiệp thu mua ứng trước giống, đảm bảo mua hết sản lượng rau thu hoạch của nông dân theo giá hợp đồng có lời, doanh nghiệp thu mua còn hỗ trợ 40% cây giống và cam kết nếu những năm tiếp theo giá tăng, công ty sẽ hỗ trợ thêm. Thấy được hiệu quả của mô hình, nên tổ viên THT rất đồng tình và phấn khởi tham gia.

Chú Nguyễn Chí Hiếu - tổ viên THT cho biết, trước đây đất vườn của gia đình chủ yếu trồng xoài cát Hòa Lộc nhưng do xoài lão hóa, năng suất thấp, giá bấp bênh. Mô hình trồng thiên lý có liên kết này tương đối tốt, chỉ trồng sau 4 tháng đã có thể thu hoạch với lợi nhuận cao hơn trồng xoài. Hơn nữa, mô hình có ưu điểm là có thể tận dụng đất để trồng thêm rau bán để thu thêm lợi nhuận”. Nói về đặc điểm hoa thiên lý, anh Ngô Phước Thành - hộ được chọn trồng thí điểm 1,5 công hoa thiên lý cho biết, đây là loại cây ít bệnh. Chu kỳ sinh trưởng, thu hoạch cây trong 4 năm, năng suất cũng khá hấp dẫn. Hơn nữa được hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên tôi yên tâm sản xuất”.

Về khó khăn bước đầu thực hiện mô hình, ông Bền cho biết: “Việc thực hiện mô hình trồng hoa thiên lý cần nhiều chi phí, trung bình khoảng 16 triệu đồng/công. Trong khi nông dân không đủ kinh phí để tự trang bị sản xuất. Thời gian qua, Ban quản trị THT rất chú trọng việc vay vốn để hỗ trợ cho xã viên có nhu cầu đầu tư hệ thống các tiêu chí về trồng rau an toàn, nhưng việc tiếp cận vốn chưa như mong muốn. Dự án phát triển rau sạch của THT là trên 300 triệu đồng nhưng THT chỉ vay được 100 triệu đồng. Để mở rộng diện tích sản xuất lên 3,4ha theo hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, thời gian tới THT vẫn sẽ tiếp tục “gõ cửa” các ngân hàng để tìm nguồn vốn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện này cũng rất cần sự hỗ trợ của các ngành liên quan cũng như ngân hàng để tháo gỡ khó khăn về vốn cho THT...

Ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch Hội nông dân xã Mỹ Đông cho hay, đây là mô hình mới nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ưu điểm nổi bật của mô hình là không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân mà còn cải tạo được vườn tạp và tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con mở rộng và phát triển mô hình thiên lý. Hội Nông dân xã sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tranh thủ kiến nghị hỗ trợ thêm vốn cho THT tiếp tục nhân rộng mô hình này theo hướng mô hình cánh đồng thu nhập cao trong những năm tới.

 

Theo Báo Đồng Tháp

.