Miếng dán chống muỗi: Lợi bất cập hại
Cập nhật lúc 11:37, Thứ năm, 24/07/2014 (GMT+7)
Chống muỗi đốt cho trẻ là điều mà cha mẹ nào cũng muốn làm, nhưng việc sử dụng miếng dán chống muỗi lại có thể gây nhiều nguy hại. ( lợi bất, miếng dán, chống muỗi, cập hại)
Chống muỗi đốt cho trẻ là điều mà cha mẹ nào cũng muốn làm, nhưng việc sử dụng miếng dán chống muỗi lại có thể gây nhiều nguy hại.
Cũng như chị Phương, chị Hoàng Thị Đoán - nhân viên tổng đài Viettel - cũng đặt mua miếng dán chống muỗi được quảng cáo trên các trang mạng về dùng. Hiệu quả chẳng thấy đâu chỉ biết đứa con trai của chị sau khi bị mẹ “ép” dán hết 8 miếng dán chống muỗi trong vòng 1 tuần thì toàn bộ phần da được dán miếng chống muỗi bị phồng rộp, mẩn đỏ và rất ngứa.
Theo phản ánh của chị Nguyễn Thị Thuỷ, ở Văn Quán, quận Hà Đông (Hà Nội): Khu vực nhà tôi ở do ẩm nên nhiều muỗi nên cháu nhỏ hay bị muỗi đốt. Tôi có tìm hiểu và xem trên một số trang web thấy nói về hiệu quả của miếng dán chống muỗi (xuất xứ ở Hàn Quốc, Nhật Bản) đơn giản mà hiệu quả. Vì thế tôi đã mua dùng thử nhằm tránh muỗi đốt cháu nhỏ.
“Khi mua về, lần đầu tôi dán vào vùng da nhỏ cho con trai hơn 1 tuổi. Được khoảng nửa giờ thấy cháu cứ quấy và tỏ ra khó chịu. Tưởng rằng do sử dụng sai hướng dẫn nên tôi bóc ra rồi dán miếng dán chống muỗi lên quần áo theo sự hướng dẫn của người bán. Tuy nhiên, đêm đó bé có nhiều biểu hiện khó chịu. Lật áo ra xem, thì giật mình thấy cả một vùng da của cháu (xung quanh chỗ miếng dán) bị mẩn ngứa, nổi nốt đỏ. Sáng hôm sau tôi vội vã đưa con đi khám…”. - Chị Thuỷ cho biết.
Cũng mua miếng dán chống muỗi giao vặt trên mạng internet, chị Chu Thị Hà (ở Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) được phen “hú vía” vì đứa con gái 3 tuổi sau gần một tuần sử dụng phải nhập viện.
Trao đổi với giới truyền thông về vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Sáu, Bộ môn Da liễu, Trường ĐH Y Hà Nội cảnh báo: Việc miếng dán có chứa hoạt chất chiết xuất từ sả và cây bạch đàn có khả năng chống muỗi hay không thì trên thực tế chưa có bất kỳ sự kiểm chứng, nghiên cứu khoa học nào. Người dùng nếu sử dụng trong thời gian dài có nhiều khả năng bị kích ứng hoặc dị ứng với những biểu hiện như ngứa, mẩn đỏ, nổi mụn nước… Để có kết luận chính xác thì những người sử dụng miếng dán này khi có những biểu hiện như trên cần đến ngay các phòng khám chuyên khoa da liễu tại các bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thúy Hoa, trưởng khoa Côn trùng và Động vật học, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, thông thường để sản xuất miếng dán, nhà sản xuất phải dùng tinh dầu sả và các dung môi khác hay keo dính để dính vào quần áo. Trong khi trẻ nhỏ rất hiếu động và nghịch nên dù được khuyến cáo là dính trên quần áo vẫn có thể bị dính vào da hay cho vào miệng. Nếu hàng không được kiểm định tốt thì nguy cơ bị mẩn ngứa hay lở là rất cao vì da trẻ rất non và dễ mẫn cảm. Bên cạnh đó, khi đưa miếng dán ra khỏi túi bọc, mùi các loại cây này có thể khiến trẻ không thích. Nếu ngửi thường xuyên chất này sẽ làm ảnh hưởng đến sự phân biệt mùi của khứu giác trẻ.
Mỗi miếng dính nhỏ có tác dụng trong 50 cm, tiến sĩ Hoa cho biết: "Nếu trẻ cao dưới một mét thì dùng được một tuần một túi, còn nếu trên một mét, các bà mẹ sẽ phải dùng 2-3 miếng mỗi ngày. Số tiền đó quá đắt để chống muỗi".
Còn Phó giáo sư Nguyễn Đức Mạnh, khoa Sinh học phân tử, Viện Sốt rét - Ký sinh trung - Côn trùng TW, lại cho rằng, các chất được gọi là hương liệu thiên nhiên thực chất cũng là các chất hóa học nên có thể có phản ứng phụ gây kích ứng cho da, nhất là trẻ em. Hiện đang là mùa sốt xuất huyết nên các bà mẹ cần thận trọng với các quảng cáo về sản phẩm chống muỗi và có cách sử dụng hợp lý.
Theo VietQ
.