Khi gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương), lúa gạo Việt Nam theo dự báo sẽ là mặt hàng nông sản có nhiều lợi thế, nhiều cơ hội để vươn xa hơn nữa.

 


So với các vùng lúa trọng điểm trong cả nước, vùng lúa Cát Tiên và Đạ Tẻh - huyện cận kề Cát Tiên và cũng chủ yếu sản xuất lúa - có diện tích không lớn. Theo quy hoạch cây lúa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đến năm 2020, cả tỉnh sẽ ổn định khoảng 20.200ha; trong đó, lúa 2 vụ trở lên đạt 15.000ha; năng suất bình quân đạt 5,4 - 5,5 tấn/ha; sản lượng lúa mỗi năm đạt 200.000 tấn. Cũng theo quy hoạch này, đến năm 2020, trong tổng diện tích lúa của tỉnh sẽ có trên 85% diện tích gieo trồng sử dụng giống lúa xác nhận có năng suất, chất lượng và khả năng kháng sâu bệnh cao; có từ 38% - 40% diện tích canh tác lúa chất lượng cao và lúa giống được sản xuất theo quy trình VietGAP. Cũng theo quy hoạch này, Cát Tiên và Đạ Tẻh là hai trong 6 vùng chuyên canh lúa hàng hóa của tỉnh; trong đó, Cát Tiên được xác định diện tích sản xuất lúa hàng hóa là 4.680ha, và con số này của Đạ Tẻh là 3.700ha. Với riêng Cát Tiên, theo quy hoạch, cây lúa được xác định phát triển theo hướng sau: “Ổn định vùng chuyên canh lúa với diện tích 4.680ha; trong đó, đất trồng lúa 3 vụ khoảng 1.600 - 1.700ha; xây dựng vùng lúa chất lượng cao có diện tích 1.500ha và vùng sản xuất lúa giống với diện tích 300 - 500ha để đáp ứng nhu cầu giống tại chỗ. Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống phù hợp với đặc điểm tự nhiên của huyện và giảm thiểu rủi ro do ngập lũ; phát triển hệ thống kênh mương nội đồng, cải tạo đồng ruộng, thâm canh đưa năng suất lúa lên 56 - 58 tạ/ha/vụ, sản lượng trên 50.000 tấn. Xây dựng và phát triển nhãn hiệu “Lúa gạo Cát Tiên” thành thương hiệu “Lúa gạo Cát Tiên””.
 
Cơ hội vươn xa
 
Lãnh đạo huyện Cát Tiên cho biết, trước cơ hội TPP và nằm trong chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, thương hiệu “Lúa gạo Cát Tiên” cần được xúc tiến quảng bá, tuyên truyền một cách sâu rộng hơn nữa. Đặc biệt, mặc dầu không phải là vùng lúa rộng lớn như các vùng lúa trọng điểm của cả nước nhưng “Lúa gạo Cát Tiên” với các giống chọn lọc trở thành giống lúa riêng “ăn” phù sa sông Đồng Nai nên có hương vị rất riêng là một thế mạnh của sản phẩm lúa gạo Cát Tiên trong chiến lược quảng bá trong thời gian sắp đến.
 
Công bằng mà nói, mặc dầu có một thế mạnh rất riêng nhưng đến thời điểm hiện tại, sản phẩm lúa gạo Cát Tiên của Lâm Đồng vẫn chưa được biết đến nhiều. Bởi vậy, cũng theo lãnh đạo huyện Cát Tiên, trong thời gian sắp đến, Cát Tiên trong phạm vi cho phép có thể tăng cường liên kết đầu tư sản xuất để tạo vùng nguyên liệu lúa gạo “chuyên biệt” thật bền vững; liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước để đưa sản phẩm gạo Cát Tiên ra nước ngoài; cùng với đó là việc thiết lập hệ thống thông tin thị trường một cách cụ thể, minh bạch, kịp thời; đặc biệt là những thông tin về tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật của sản phẩm lúa gạo Cát Tiên. Với khuôn khổ TPP, theo nhận định của các chuyên gia, một số quốc gia xuất khẩu gạo chủ yếu của thế giới như Thái Lan, Ấn Độ… đang nằm ngoài Hiệp định chính là một trong những cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu gạo. Và, nếu đây là cơ hội của hạt gạo Việt Nam thì cơ hội của những sản phẩm lúa gạo các vùng và địa phương, trong đó có “hạt gạo phù sa Đồng Nai” của Lâm Đồng, cũng nằm trong phạm vi này.
 
Tất nhiên, trước cơ hội TPP, mỗi vùng và mỗi địa phương (cấp tỉnh) đều có thế mạnh riêng về sản phẩm gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người, hạt gạo “phù sa sông Đồng Nai” chính là thế mạnh chỉ của riêng Lâm Đồng.
 

Theo Báo Lâm Đồng
.