(BVPL) - Theo Nghị định về biểu thuế nhập khẩu hàng hóa thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016 - 2018, sẽ có hàng trăm mặt hàng từ Trung Quốc vào VN được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% từ năm 2018. Điều này dấy lên lo ngại rằng trong thời gian tới, hoa quả Trung Quốc sẽ “thống trị” thị trường trong nước. Tuy nhiên cũng không ít người lạc quan lại cho rằng đây chính là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam thay đổi và bứt phá.

 


Anh Nguyễn Thế Huỳnh, chủ một trang trại cam rộng hơn 30ha Cao Phong (Hòa Bình) tỏ ra lo lắng. Anh Huỳnh cho rằng, việc thuế nông sản từ Trung Quốc vào Việt Nam về 0% là mối nguy lớn cho rau của quả và trái cây trong nước. Ví dụ như đang mùa cam Cao Phong (Hòa Bình), cam trong nước trồng ra giá cao, từ 35.000 – 45.000 đồng/kg. Nhưng trên thị trường xuất hiện loại cam gần giống như thế, tiểu thương bán gọi là cam xoàn, có giá rẻ hơn nhiều làm ảnh hưởng đến người trồng cam Cao Phong.

Trước đây, thị trường cũng xuất hiện loại nho xanh không hạt Trung Quốc gắn mác nho Ninh Thuận cũng bày bán rẻ tràn ngập thị trường, nho đỏ to thậm chí còn gắn mác nho Mỹ với giá cao ngất ngưởng.

Với các loại rau quả thực sự là không thể kiểm soát được. Theo ghi nhận, đa số các tiểu thương nhập rau củ Trung Quốc với giá rẻ về sau đó gắn mác rau Đà Lạt để lừa người tiêu dùng, tăng giá bán. Thực chất, rau củ Trung Quốc không rõ nguồn gốc không chỉ có chất lượng kém mà còn nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng do dư thừa thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất bảo quản.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 36 tỷ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 21,3 tỷ USD.

Về các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, doanh nghiệp trong nước nhập 45,3 triệu USD hàng thủy sản, 146,9 triệu USD rau quả.

Rất nhiều người nông dân lo ngại: thuế nhập khẩu 15% đã rẻ như cho, nay thuế về 0% thì còn rẻ hơn nữa. Chắc chắn trái cây Việt rất chật vật để cạnh tranh trong tương lai.

Khi thuế suất nhập khẩu còn 0%, hàng hóa từ Trung Quốc, ASEAN sẽ tăng thêm lợi thế khi vào Việt Nam, đồng thời tạo nên sức ép mạnh lên hàng nội, đặc biệt là hàng nông sản khi mà những mặt hàng của các nước này vốn đã tràn ngập ở thị trường Việt Nam. Đáng chú ý, những sản phẩm của Trung Quốc được hưởng mức thuế nhập 0% vào Việt Nam hiện có mức giá rẻ hơn rất nhiều so với giá trong nước. Bên cạnh đó, một số mặt hàng hoa quả của Thái Lan lại có chất lượng cao, giá cạnh tranh hơn hẳn so với  hàng Việt Nam.

Trước thông tin trên, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, việc nhiều nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN được giảm thuế suất đặc biệt là hàng nông sản sẽ tạo ra cạnh tranh gay gắt và đẩy hàng Việt vào thế “thua” ngay trên sân nhà nếu không thay đổi. Còn chưa kể nguy cơ Việt Nam sẽ phụ thuộc nặng nề hơn vào Trung Quốc. Bởi dù chưa được giảm thuế nhập khẩu về 0% thì nông sản trong nước trước đây cũng đã lao đao vì hàng Trung Quốc, Thái Lan.

Không để “sự đã rồi” mới lo... “đánh dẹp”

Theo các chuyên gia, khi ký kết hiệp định thương mại với các nước, Việt Nam chấp nhận vào sân chơi lớn bình đẳng. Tuy nhiên, vấn đề chính là khâu kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào của Việt Nam vẫn còn quá lơi lỏng.

Cách làm tốt nhất mà cơ quản quản lý chuyên môn và cả quản lý hành chính phải làm mạnh là siết khâu nhập khẩu chứ không thể để hàng bẩn, kém chất lượng tràn lan rồi mới lo chuyện “đánh dẹp”. Nếu thuế nhập khẩu trái cây về 0% mà hàng tốt thì người tiêu dùng được hưởng lợi, nhưng sẽ thật đáng lo ngại nếu hàng kém chất lượng tràn lan sau thời hạn hiệp định thương mại có hiệu lực.

Ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: “Hoa quả Trung Quốc vào Việt Nam với thuế 0% sẽ có cả cơ hội và thách thức. Điều quan trọng là chúng ta phải biến thách thức đó thành cơ hội”. Để không bị thua ngay trên sân nhà, hoa quả trong nước phải nâng cao chất lượng cả về mặt hình thức và nội dung. Đây là thách thức không hề nhỏ với nông sản Việt trong thời gian tới.

Ông Lại Xuân Môn cũng khẳng định, việc kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm của nước ta còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, việc siết chặt quản lý chất lượng hoa quả Trung Quốc vào nước ta cần phải đặc biệt chú trọng. Cần thiết cơ quan kiểm định của hai nước cùng kiểm định.


Thực tế, việc mở cửa cạnh tranh là điều cần thiết. Trước một sức ép mới, nếu tận dụng được thì sẽ là cơ hội để phát triển. Sức ép cạnh tranh bây giờ là sức ép cạnh tranh không đơn thuần về giá cả mà còn về chất lượng. Ngoài ra, các doanh nghiệp, các nhà khoa học cũng cần sát cánh cùng nông dân. Nhà nước cần tăng kiến tạo, đa dạng hóa cây trồng, giảm bớt các doanh nghiệp nhà nước về nông nghiệp hoạt đông không hiệu quả…
 

Hữu Bắc

.