Bên lề kỳ họp Quốc hội kỳ họp thứ 7 các đại biểu Quốc hội đã có những nhìn nhận, đánh giá xoay quanh sự việc làm xăng giả quy mô lớn liên quan đến “đại gia” Trịnh Sướng.
Đại biểu Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội: Phải điều tra làm rõ vấn đề
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nắm được thông tin về vụ việc rất nghiêm trọng này. Từ vụ việc này cho thấy vấn đề kiểm tra, kiểm soát gian lận thương mại trong kinh doanh, buôn bán xăng dầu của lực lượng quản lý thị trường vừa qua “có vấn đề” khi để xảy ra tình trạng trong thời gian dài mà không phát hiện, không có biện pháp ngăn chặn.
Trong thời gian dài mà lực lượng Quản lý thị trường không phát hiện, rõ ràng có vấn đề thậm chí có yếu tố lợi ích nhóm. Phải điều tra, làm rõ vấn đề này. Không thể vi phạm trong thời gian dài như vậy mà không ai biết.
Phía Ủy ban chúng tôi sẽ có văn bản gửi Bộ Công thương, yêu cầu báo cáo vụ việc, đồng thời sẽ có kế hoạch giám sát về quản lý chất lượng xăng dầu bán trên thị trường.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Tại sao buôn lậu ngày càng phổ biến?
Việc có lợi ích nhóm hay không, phải chờ cơ quan điều tra làm rõ. Còn việc để xảy ra như vậy, cho thấy sự yếu kém, do cố tình hay do yếu tố khách quan cũng phải kiểm tra, làm rõ.Nếu có sự câu kết, cũng khó có câu kết cả hệ thống, mà có thể là một khâu hoặc nhóm nào đó.
Ở đây có thể do tắc trách, cơ quan quản lý kiểm tra không đến nơi đến chốn. Việc này đặt ra trong nhiều lĩnh vực trong quản lý, tại sao buôn lậu ngày nói chung và bôn lậu xăng dầu càng phổ biến, hoành hành, thậm chí hàng ngoại đội lốt hàng Việt, nên phải xem lại quy trình quản lý.
Khi hàng hoá đưa ra thị trường trách nhiệm kiểm soát là của Bộ Công thương. Để hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng trên thị trường, Bộ Công thương chưa hoàn thành trách nhiệm.
Giải pháp cho vấn đề này, cần tăng cường vai trò quản lý thị trường bằng nhiều biện pháp. Trong đó, cần phải tăng thêm công cụ từ xa, công nghệ 4.0 để kiểm tra lưu chuyển hàng hoá trên thị trường. Phải kiểm tra nhập vào bao nhiêu, nhà máy bán ra bao nhiêu, bán ra các trạm thế nào… Với những vụ việc vi phạm, phải xử lý kiên quyết, đặc biệt với những người có chức trách trong việc này.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An): Rất khó phát hiện vụ việc
Việc bắt được một vụ xăng dầu làm giả rất khó, các cơ quan như quản lý thị trường, khoa học & công nghệ một mình đơn phương không thể làm được. Thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, thường mua hoá chất sau đó về pha trộn với xăng. Muốn xử lý hình sự, phải bắt được quả tang, còn bắt trên đường vận chuyển thì không làm gì được. Khi đó nếu có kiểm định thì cũng chỉ xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh mặt hàng không đảm bảo chất lượng.
Muốn bắt quả tang những đối tượng như vậy phải lập chuyên án, mất nhiều thời gian, có khi tới cả năm trời. Ngoài lực lượng Công an, phải cần sự phối hợp rất tốt của ngành Khoa học và Công nghệ trong giám định chất lượng xăng và quản lý thị trường. Từ đó mới mở rộng, kiểm tra sổ sách giấy tờ việc mua bán hoá chất, xăng về phối trộn… Hành vi của các đối tượng này rất khó phát hiện.
Từng triệt phá đường dây buôn xăng giả, thời điểm đó chúng tôi phải lập chuyên án hàng năm trời, theo dõi rất sát và phải bắt được quả tang họ đang pha trộn thì mới đủ chứng cứ.
Riêng với cơ quan quản lý thị trường, đơn vị này cũng rất khó kiểm soát hết được. Bắt được một vụ xăng dầu giả phải cả quá trình rất dài, phối hợp rất nhiều lực lượng với nhau. Cho nên quan điểm của tôi, đây là thành tích, chứ đừng nghĩ tiêu cực./.