Làm nền tổ ong nhân tạo
Cập nhật lúc 10:14, Thứ ba, 01/09/2015 (GMT+7)
Cơ sở sản xuất nền tổ ong nhân tạo (còn gọi là cán chân tầng cho tổ ong)ở ấp Nam Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất là một trong những cơ sở đầu tiên sản xuất tổ sáp ong nhân tạo tại Đồng Nai. Cơ sở được thành lập ngay vùng nuôi ong mật của Đồng Nai, cùng hưng thịnh với nghề này suốt hơn 30 năm qua. (tổ ong nhân tạo, sản phẩm, nuôi ong mật)
Cơ sở sản xuất nền tổ ong nhân tạo (còn gọi là cán chân tầng cho tổ ong)ở ấp Nam Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất là một trong những cơ sở đầu tiên sản xuất tổ sáp ong nhân tạo tại Đồng Nai. Cơ sở được thành lập ngay vùng nuôi ong mật của Đồng Nai, cùng hưng thịnh với nghề này suốt hơn 30 năm qua.
Người chủ thành lập và gắn bó cả đời với nghề sản xuất này là vợ chồng ông bà Lã Văn Thân và Trần Thị Huyền.
Lúc thịnh, lúc suy
Bà Huyền nhớ lại: “Trước ngày đất nước thống nhất, ở miền Nam có cơ sở nhập máy móc, công nghệ từ nước ngoài về sản xuất nền tổ ong, nhưng họ bán với giá rất cao. Sau này, khi trở về quê làm nông, chồng tôi có thời gian lội rừng, tìm hiểu cấu tạo của tổ ong để về tự mày mò chế ra chiếc máy dập nền tổ ong”. Những bản nền tổ ong với bề mặt là những ô hình lục giác được gắn vào các cầu ong, làm nền cho con ong xây ô đựng mật hoặc nuôi ong con từ trứng cho đến khi trưởng thành. Thời những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, nghề nuôi ong chỉ mới bắt đầu manh mún tại Đồng Nai. Những bản nền tổ ong đầu tiên do vợ chồng bà Huyền làm ra dùng cho chính đàn ong nuôi của gia đình. Nuôi ong, nghiên cứu và nắm rõ tập tính của ong cũng giúp ông bà trau dồi thêm kinh nghiệm trong nghề sản xuất nền tổ ong từ nguyên liệu sáp ong.
Giai đoạn đầu của nghề nuôi ong, một số người chủ yếu bắt ong ruồi từ rừng về thuần hóa. Những năm sau, người nuôi dần chuyển sang giống ong Ý nhập khẩu từ nước ngoài với kích cỡ lớn hơn hẳn giống ong nội địa. Ông Thân lại mày mò cải tiến, chế tạo thêm chiếc máy dập phù hợp với giống mới. Nghề nuôi ong ngày càng phát triển, không chỉ được nhân rộng trên địa bàn Đồng Nai mà ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thời đó, nghề làm nền tổ ong hầu như vẫn độc quyền nên khách hàng của cơ sở đến từ khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc, trong đó có không ít doanh nghiệp trong ngành nuôi ong mật cũng là khách hàng của cơ sở. Có giai đoạn, cơ sở của ông bà phải thuê hàng chục lao động, đến mùa cao điểm, công nhân phải tăng ca đến 20-21 giờ mới kịp làm hàng giao cho khách.
Giữ thị trường cho sản phẩm thủ công
Theo bà Huyền, nghề sản xuất nền tổ ong cũng lắm thăng trầm. Những giai đoạn ngành ong mật gặp khó khăn là hoạt động sản xuất của cơ sở cũng đình trệ theo. Có giai đoạn cơ sở mất không ít khách hàng vì xảy ra vấn đề với nguồn nguyên liệu sáp ong, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, chất lượng đàn ong. Vài năm trở lại đây, không ít doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp nước ngoài đầu tư máy móc sản xuất nền tổ ong theo hướng công nghiệp. Theo đó, cơ sở của bà cũng gặp không ít khó khăn do sức ép cạnh tranh trên thị trường.
Bà Huyền chia sẻ: “Con ong rất nhạy cảm, nên mấy mươi năm qua cơ sở của gia đình tôi vẫn giữ nguyên cách làm theo hướng thủ công truyền thống, dù phải tốn thêm chi phí và công lao động. Cơ sở cũng không hề sử dụng thêm bất kỳ một loại hóa chất, phụ gia nào mà hoàn toàn dùng sáp ong nguyên chất để giữ nguyên mùi thơm và độ dẻo của sản phẩm”.
Từ khâu nấu sáp, nhúng sáp, làm nguội đến dập khuôn... đều nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề. Chính vì vậy, cơ sở vẫn giữ chân được nhiều khách quen gắn bó. Đặc biệt, hiện cơ sở vẫn sản xuất dòng sản phẩm dùng để nuôi ong ruồi giống bản địa. Nhờ đó, sản phẩm của cơ sở vẫn được nhiều khách hàng ở các tỉnh phía Bắc đặt mua.
Theo Báo Đồng Nai
.