Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia vừa có quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu 3 năm đối với Công ty CP Xây dựng công trình A.E (Cty A.E) do vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu. 

Cụ thể, Cty A.E đã làm giả hợp đồng tương tự khi tham gia lựa chọn nhà thầu các gói thầu số 2, 3, 4, 5, 7, 8 do Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia mời thầu.

Khi tham dự thầu các gói thầu nêu trên, Cty A.E đã cung cấp 2 hợp đồng tương tự giả ký với Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) là đơn vị thành viên của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia trong hồ sơ dự thầu. Hai bản hợp đồng giả này vẫn có đầy đủ con dấu của PTC3 và sao y công chứng.

Tuy nhiên, theo xác nhận từ PTC3 cho thấy, 2 hợp đồng nêu trên là giả mạo. PTC3 khẳng định đơn vị không thực hiện hợp đồng nào có số như vậy với Cty A.E.

Trước đó vào tháng 6/2017, Bộ GTVT vừa có Quyết định số 1898/QĐ-BGTVT cấm tham gia hoạt động đấu thầu các dự án do Bộ quyết định đầu tư và phân cấp quyết định đầu tư (bao gồm các dự án do Ngân hàng Thế giới - WB tài trợ) đối với 2 nhà thầu là Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ 234, và Công ty CP Quản lý đường bộ Thái Bình.

Hai nhà thầu này bị Bộ GTVT cấm thầu 3 năm kể từ ngày 29/6/2017 vì đã vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 89 của Luật Đấu thầu 2013 là “nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”.

leftcenterrightdel
 Báo chí góp phần tích cực làm minh bạch hồ sơ mời thầu

Liên quan đến các nhà thầu gian lận, trong năm 2016, Tổng cục Thống kê (TCTK) thuộc Bộ KH&ĐT cũng đã phải ban hành quyết định về việc cấm Công ty CP In Hà Nội tham gia đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm thuộc thẩm quyền quyết định của Tổng cục trưởng TCTK do nhà thầu này nhiều lần cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu (HSDT).

Nhà thầu này cũng đã cố tình không thực hiện các yêu cầu của bên mời thầu trong việc làm rõ các hành vi gian lận trong việc cung cấp bằng tốt nghiệp nghề của nhân sự chủ chốt.

Việc đơn vị dự thầu khai man hồ sơ bị cấm đấu thầu trong một thời gian dài dường như sẽ khó tránh khỏi khó khăn trong kinh doanh nếu không muốn nói là có thể đứng trên bờ vực phá sản. Nhưng điều này cũng sẽ làm lành mạnh hóa công tác đấu thầu, tạo sự cạnh tranh, bình đẳng giữa các đơn vị tham gia dự thầu. Thực tế cho thấy, nhiều chủ đầu tư vẫn chưa chủ động, tích cực trong việc công khai thông tin đấu thầu. Báo chí giám sát hoạt động đấu thầu sẽ góp phần nhận diện được những hiện tượng thực thi chính sách đấu thầu chưa nghiêm, thậm chí là tiêu cực, dấu hiệu lợi ích nhóm. Qua đó, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ có ý nghĩa tích cực, thiết thực, xóa bỏ những điểm mờ thông tin trong hoạt động đấu thầu.

Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, cũng quy chế tài mới với những hành vi vi phạm quy định về đấu thầu. Tại Điều 222 của Bộ luật, quy định tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự.

Với các quy định rõ mức độ xử lý vi phạm như: bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm (Khoản 1); bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm (Khoản 2); bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm (Khoản 3); và người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Khoản 4).

Việc Bộ luật Hình sự có quy định tại Điều 222 về “tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” chính là sự nối tiếp quy định tại Điều 90 của Luật Đấu thầu 2013 và tạo ra sự đồng bộ về hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý hành vi tiêu cực cũng như răn đe đối với các đối tượng thực hiện hành vi tiêu cực trong đấu thầu.

PV