Ngày 14/8, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6 (Cục QLTT Bình Dương) đã phối hợp với Đội 3 PC03 (Công an tỉnh) và một số cơ quan hữu quan tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Aim laxmi tại phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 2,1 triệu găng tay y tế thành phẩm được tái chế từ găng tay y tế đã qua sử dụng. Số găng tay này chứa trong các kiện hàng đã đóng gói và ghi nhãn hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, có dấu hiệu chuẩn bị xuất bán.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng phát hiện thêm 1.410 kg găng tay y tế đã qua sử dụng đã được phân loại, chuẩn bị tái chế, cùng 1.174 kg găng tay y tế đã qua sử dụng đang chờ phân loại.

leftcenterrightdel

leftcenterrightdel
 Lượng lớn găng tay y tế tái chế và chờ tái chế được tìm thấy tại Công ty TNHH Aim laxmi (Bình Dương)
Vào thời điểm kiểm tra, chủ hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của số găng tay nêu trên. Đại diện chủ doanh nghiệp tường trình, đầu tháng 8/2020 công ty đã ký hợp đồng mua khoảng 5 tấn găng tay là hàng mới 99% và 1% bị lỗi màu (hàng đã qua sử dụng, tái chế) với giá 285 triệu đồng/tấn của một doanh nghiệp ở huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh).

Sau khi mua, găng tay được đem về kho và cho công nhân phân loại đóng gói và xuất sang nước ngoài với thương hiệu Aum Laxmi; số lượng găng tay mà doanh nghiệp đã xuất bán 3,8 tấn.

Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, đầu tháng 8/2020, Cục Nghiệp vụ QLTT và Cục QLTT Hòa Bình phối hợp C05 và A03 - Bộ Công An kiểm tra phát hiện một nhà xưởng rộng 2.000m2 dùng để "sản xuất" găng tay tái chế tại khu công nghiệp Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhà xưởng của Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng BM đang sản xuất các loại khẩu trang y tế cao cấp.

Đáng chú ý, tại nơi sản xuất khẩu trang, lực lượng chức năng phát hiện, công nhân tại xưởng đang phân loại và trực tiếp đóng gói găng tay cao su đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc và độ an toàn của những găng tay này.

Hầu hết số găng tay ở đây đều ở dạng rời, không được bảo quản và đóng gói, được đổ thành đống lên sàn xưởng, để cạnh khẩu trang chưa thành phẩm, bên cạnh còn có một số hộp găng tay đóng hộp nhãn hiệu S63 xếp thành đống trong xưởng.

Mở rộng điều tra, lực lượng quản lý thị trường còn phát hiện hàng loạt "xưởng sản xuất" găng tay tái chế tại các địa bàn lân cận như: địa chỉ số 43, Biệt thự Lâm viên 2, KĐT Đặng Xá, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tại đây, Đoàn kiểm tra đã kiểm đếm được 9,5 tấn găng tay cao su, số còn lại tiếp tục làm việc ngày hôm sau, ước tính khoảng trên 15 tấn.

Tại một địa điểm khác - Công ty CP Quốc tế Royal Việt Nam, số 20 khu villa 2 Hyunhdai, phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội, lực lượng chức năng cũng tạm giữ 24.000 chiếc găng tay cao su do chưa xuất trình được công bố tiêu chuẩn sản phẩm và vi phạm về nhãn, 142 kg găng tay cao su không rõ nguồn gốc xuất xứ và đã lấy 01 mẫu giám định chất lượng.

Hiện Đoàn kiểm tra vẫn đang tiếp tục kiểm tra, xác minh thông tin để làm rõ và xử lý theo quy định.

Hoài Lê