(BVPL) - Theo tiết lộ của một cán bộ thú y thì việc kéo dài con vật ra và làm thịt săn chắc, ít mỡ, có màu sắc bắt mắt không quá khó. Đơn cử như thỏ và mèo, trước khi làm thịt sẽ bị bỏ đói cho teo tóp, bớt mỡ, sau đó cắt tiết, mổ bụng moi hết bộ lòng và quết phoóc-môn cho thịt săn cứng lại.

 


Dễ dãi nên... bị lừa?

Không chỉ thịt giả được bày bán tràn lan mà ngay cả thực phẩm bẩn vẫn tồn tại khắp các khu chợ. Tại khu vực bán thực phẩm của chợ Vồ (đường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) vào giờ tan tầm lúc nào cũng tấp nập kẻ mua, người bán. Chỉ bước đến đầu chợ, mùi hôi nồng từ các mẹt thịt đã xộc lên khiến không khí càng trở nên ngột ngạt.

Vài năm trở lại đây, chợ Vồ được biết đến là chợ đầu mối thịt ôi thiu giá rẻ của Hà Nội, với các mặt hàng từ thịt lợn, thịt gà đến thịt bò, tôm, cá... Chợ chỉ họp từ 12h - 15h trong ngày, thời điểm mà các khu chợ khác đều đóng cửa nghỉ trưa. Chị Hoa - người bán thịt lợn cho hay, toàn bộ thịt ở đây đều là thịt ế được tập kết từ các chợ trong nội thành. Trước đây, thịt được bán ngay ở vỉa hè đường Nguyễn Trãi, bày la liệt trên những tấm xi măng hay bao tải dứa đen ngòm và cáu bẩn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi bị công an dẹp mạnh, người bán chuyển vào chợ Vồ. Người bán hàng chỉ bày trên bao tải dứa một con gà hay dăm ba miếng thịt lợn đã ôi...

Giá thực phẩm ở chợ Vồ rẻ bằng một nửa so với giá thông thường, hầu hết người đi chợ này đều mua với số lượng lớn. Thay vì xách túi nilon, nhiều người mang cả bao tải to hay làn mây cỡ lớn, chất tới cả chục cân thịt.

Hay như khu chợ ven đường ở thị trấn cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) cũng khá nổi tiếng và chủ yếu bán lẻ cho người tiêu dùng. Gọi là chợ nhưng người bán thực phẩm thường tràn ra lòng đường, thịt được bày la liệt trên bao tải dứa, kẻ đứng, người ngồi nhốn nháo.

Những miếng thịt lợn chảy nước, màu bạc phếch được bày bán ngay dưới mặt đất, ruồi, nhặng bâu kín, nhưng người bán hàng chẳng buồn đuổi đi. Trong khi đó, cả người mua và người bán vẫn thản nhiên ngã giá. Theo tìm hiểu của PV, những người mua hàng chủ yếu là công nhân và sinh viên ở trọ quanh khu vực này.

Chị Lê Thị Liên, công nhân khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ: "Thường thì chúng em vẫn mua thức ăn theo cảm tính, nghĩa là thấy ngon, rẻ là mua chứ mấy khi để ý đến đó có phải là thực phẩm đã để lâu hoặc kém chất lượng đâu. Nhiều khi tan ca, mua được vài lạng thịt lợn rẻ về nấu ăn là mừng lắm rồi...".
 

Theo Người Đưa Tin

.