(BVPL) - Càng những ngày cận Tết Nguyên đán 2015, dịch vụ đổi tiền lẻ càng thêm sôi động. Nhu cầu đổi tiền mừng tuổi Tết theo phong tục không nhiều, nhưng nhu cầu đổi tiền mệnh giá nhỏ để đi lễ cuối năm, đầu năm thì tăng đột biến. Tuy nhiên, khác với mọi năm, năm nay Nghị định 96 của Chính phủ đã có quy định rõ ràng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, hành vi “buôn” tiền lẻ, “tuồn” tiền lẻ ra ngoài chợ “đen” có thể bị phạt tối đa tới 40 triệu đồng.

Mệnh giá càng nhỏ, mức phí càng cao

Dịch vụ đổi tiền lẻ cứ “đúng hẹn lại lên” vào dịp cuối năm. Năm nay, lấy cớ số tiền lẻ mệnh giá nhỏ không được Nhà nước in mới nên dịch vụ đổi tiền lẻ ở chợ “đen” đua nhau “hét” giá. Nơi tập trung dịch vụ đổi tiền lẻ nhiều nhất là khu vực đền chùa, di tích, nơi thu hút khách thập phương tới tham quan, đi lễ dịp cuối năm và đầu năm.

Tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), những ngày này nườm nượp dòng người đến tạ lễ dịp cuối năm. Suốt dọc đường từ bãi gửi xe cho đến cổng đền, tiền lẻ được đưa ra kinh doanh đúng như một món hàng. Năm nay, tiền có mệnh giá càng nhỏ thì chi phí đổi càng đắt. Tất cả các loại tiền, các mệnh giá từ 100 đồng, 200 đồng đến 20.000 đồng, 50.000 đồng ở nơi này đều có.

Đặc biệt, năm nay, khi dịch vụ trao đổi, mua bán hàng hóa trên mạng internet ngày càng phổ biến thì dịch vụ đổi tiền lẻ những ngày này cũng xuất hiện rầm rộ với đủ lời chào mời hấp dẫn. Tuy nhiên, phí đổi tiền ở mỗi trang web đưa ra có sự chênh lệch khác nhau. Nhưng xu hướng chung cho thấy, mệnh giá tiền càng nhỏ thì phí dịch vụ càng cao. Nhiều người kinh doanh tiền lẻ đã vin cớ năm nay Nhà nước không in mới tiền lẻ mệnh giá thấp nên chỉ còn “hàng tồn”, do vậy mức phí chênh lệch mà người có nhu cầu đổi phải bỏ ra khá cao, từ 10% đến 30%, đặc biệt loại tiền có mệnh giá 100 đồng, 200 đồng và 500 đồng mức phí đội lên tới 80%. Tức là bạn bỏ ra 100.000 đồng sẽ chỉ được lại 20.000 đồng tiền 200 đồng còn lại 80.000 đồng là tiền phí.

 

 Hành vi “buôn” tiền lẻ, “tuồn” tiền lẻ ra ngoài chợ đen có thể bị phạt tối đa tới 40 triệu đồng.
Hành vi “buôn” tiền lẻ, “tuồn” tiền lẻ ra ngoài chợ đen có thể bị phạt tối đa tới 40 triệu đồng.


Ngoài tiền Việt, nhiều người còn có nhu cầu đổi tiền đô la mệnh giá nhỏ để mừng tuổi dịp Tết. Hiện nay, tờ tiền có mệnh giá 2 USD được ưa chuộng nhất bở theo nhiều người số 2 là cặp số chẵn biểu hiện cho cặp đôi nên luôn mang lại may mắn. Dịch vụ đổi tiền đô la này đặc biệt rầm rộ ở phố Đinh Lễ (Hà Nội). Trong vai một người có nhu cầu đổi một ít tiền đô la mệnh giá 2 USD, phóng viên được chị Hà, một người có thâm niên kinh doanh tiền lẻ 5 năm ở phố này cho biết, hiện tờ 2 USD theo mẫu cũ rất khan hiếm, trừ khi khách hàng “đặt” thì chị mới tìm chứ không dám “ôm” nhiều. Cũng theo chị Hà nếu như mọi năm, tờ tiền này có giá từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng thì năm nay giá này đã đội lên gấp đôi, giao động từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/tờ. Đặc biệt, loại tiền 2 USD theo thiết kế cũ có seri đẹp có mức giá từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng/tờ.

Với mức phí cao như vậy, người kinh doanh dịch vụ này sẽ thu được lãi khủng sau mỗi mùa đổi tiền.

Đổi tiền lẻ bị phạt 40 triệu đồng

Trước tình trạng hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra rầm rộ, công khai ở nhiều địa phương, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96 về việc xử lý phạt đối với hoạt động không phép, trong đó có đưa hoạt động đổi tiền lẻ vào quy định. Theo đó, mức phạt được đề xuất từ 20 – 40 triệu đồng. Theo ông Tú thì đây là điểm mới trong năm nay và mức phạt này cũng đủ mạnh để răn đe các vi phạm trong hoạt động kinh doanh đổi tiền lẻ.

Được biết, đây là năm thứ 3 Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương không in tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu Tết. Việc làm này đã giúp Ngân hàng Nhà nước tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2014 không in mới loại tiền mệnh giá 1.000 đồng – 2.000 đồng đã tiết kiệm được 314 tỷ đồng và nếu cộng dồn với việc không in ấn và lưu thông tiền lẻ mệnh giá 500 đồng thì năm 2014 Nhà nước đã tiết kiệm được 409 tỷ đồng. Theo dự tính, nếu năm 2015 không in tiền mệnh giá 5.000 đồng mới vào lưu thông thì sẽ tiết kiệm được khoảng 171 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nhu cầu sử dụng tiền mặt, kể cả tiền mặt mệnh giá nhỏ vào dịp Tết và năm mới thường rất cao. Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành Kho quỹ NHNN cho biết để đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân, Ngân hàng nhà nước đã xây dựng phương án và điều chuyển tiền mặt mệnh giá nhỏ đủ tiêu chuẩn lưu thông tới các chi nhánh Ngân hàng nhà nước các tỉnh và thành phố. Việc điều chuyển này sẽ hoàn tất trước ngày 30/1/2015.
 

Hữu Bắc

.