Siêu thị điện máy không chỉ có bán tivi, tủ lạnh, máy giặt…


Không kém cạnh, Nguyễn Kim có chương trình Tháng bán hàng Nhật Bản, bằng cách giảm 20% cho khách hàng VIP, mua sắm trả góp với lãi suất 0%, dùng thử sản phẩm Nhật trong vòng 30 ngày; ưu đãi đồng loạt 10% và quà tặng cho khách hàng mua sản phẩm thương hiệu Nhật.

Nhiều ý kiến cho rằng các DN điện máy chủ yếu cạnh tranh về giá và khuyến mãi, điều này vừa có lợi vừa có hại. Cái lợi trước mắt là NTD được mua hàng rẻ hơn, thị trường sôi động hơn và DN gia tăng doanh số. Tuy nhiên, cái hại đó là lợi nhuận suy giảm sẽ đẩy các DN tiếp tục vào khốn khó. Sự cạnh tranh này chỉ mang tính thời điểm và sau này các DN buộc phải cạnh tranh về dịch vụ, đa dạng sự tiện ích, hàng hóa, dịch vụ kèm theo...

Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, PGĐ Siêu thị Điện máy Thiên Hòa, cho biết khuyến mãi chỉ là một trong những yếu tố để kích cầu tiêu dùng, quan trọng hơn là chính sách, dịch vụ hậu mãi. Việc các DN khuyến mãi là nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình.

Đồng quan điểm trên, ông Đinh Anh Huân, TGĐ dienmay.com, cho biết cạnh tranh về giá, khuyến mãi chỉ mang tính chất ngắn hạn, một siêu thị điện máy để vận hành cần rất nhiều chi phí. Nếu cạnh tranh đua nhau giảm giá, sẽ dẫn đến tình trạng thua lỗ, DN không thể tồn tại khi bị tốn nhiều chi phí về mặt bằng, con người, đầu tư xây dựng ban đầu, chi phí vận chuyển... Một siêu thị điện máy bị lỗ thì không thể có được dịch vụ mua sắm tốt cho khách hàng.

Đa dạng hóa sản phẩm

Hiện nay, nhiều NTD khá bất ngờ khi mua sắm tại một số siêu thị thấy có bán xà phòng, bột giặt, nước xả vải, vali… thậm chí cả đồ gỗ nội thất… Theo ông Hậu, đây là xu hướng mới và hoàn toàn bình thường để đa dạng hóa sản phẩm. Bởi siêu thị điện máy không chỉ có bán tivi, tủ lạnh, máy giặt… mà có thể bán các phụ kiện kèm theo như cáp tín hiệu HD, khay đá, giúp khách hàng mua đúng hàng chính hãng. Hay như siêu thị đồ gỗ nội thất vẫn có bán chăn drap, nệm, vali, túi xách… Bởi lẽ mục tiêu của DN là kinh doanh tất cả sản phẩm cần cho gia đình theo khẩu hiệu “one stop shopping” chứ không nên tách riêng.

Theo ông Đoàn Đình Hoàng, chuyên gia marketing cho biết DN muốn tồn tại phải tiếp cận thị trường ở một xu hướng mới, tạo sự khác biệt, độc đáo. Vì vậy, cần đa dạng ngành hàng để giành ưu thế thay vì hướng tới sản phẩm điện tử.

Nhiều nhận định cho rằng việc thay đổi xu thế kinh doanh bằng hình thức mua bán đa sản phẩm, tạo thêm nhiều tiện ích cho NTD. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đi thăm dò và chưa chắc sẽ mang lại thành công cho DN bởi đặc thù và thói quen mua sắm của người Việt khá phức tạp. Để phát triển bền vững không chỉ nghiên cứu kỹ khách hàng, hiểu đúng nhu cầu, cung cấp sản phẩm chính hãng, DN cần có tiềm lực về tài chính, chiến lược đúng, đồng thời là cái tâm đối với NTD.


Theo Pháp luật TPHCM

.