(BVPL) - Sở Công Thương Hà Nội vừa có tờ  trình UBND TP nghiên cứu Đề án sử dụng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đồng thời kích cầu tiêu dùng loại sản phẩm công nghiệp đang bí đầu ra này. Tuy nhiên, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng quá tải với xe máy và ô tô thì sự phát triển xe đạp dường như chỉ làm rối thêm.

 
Khuyến khích học sinh, sinh viên, người hưu trí đi xe đạp
Khuyến khích học sinh, sinh viên, người hưu trí đi xe đạp
 
Xe đạp sẽ trở lại
 
Đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, giảm lưu lượng ô tô, xe máy, giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường được Sở Công Thương trình UBND TP xem xét. Mục tiêu của đề án là đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ xe đạp của TP Hà Nội; tính toán lợi ích của việc sử dụng xe đạp; tổ chức triển lãm xe đạp nhằm tuyên truyền, khuyến khích người dân TP sử dụng xe đạp; đề xuất các giải pháp phát triển xe đạp trong giao thông đô thị, kích cầu xe đạp, tìm hướng đi cho ngành sản xuất xe đạp nội địa. Theo Sở Công Thương Hà Nội, tại Hà Nội hiện nay, sự phát triển quá nhanh các phương tiện giao thông như      ô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, môi trường đô thị ngày càng ô nhiễm. Mặt khác, nhiên liệu xăng dầu - nguồn năng lượng ngày càng trở nên khan hiếm. Vì vậy, phát triển xe đạp trong giao thông, đô thị sẽ là giải pháp giảm ùn tắc hiệu quả.
 
Cũng theo Sở Công Thương thì Đề án được cho là cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và quy hoạch giao thông chưa hoàn chỉnh. Đề án dự kiến thực hiện trong 24 tháng với kinh phí khoảng 900 triệu đồng, lấy nguồn từ Quỹ xúc tiến thương mại TP Hà Nội. Nếu UBND TP đồng ý, Đề án này sẽ phải có sự tham gia của các cơ quan khác như Sở GTVT, Sở Xây dựng... Bởi lẽ, để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, cần tính toán về chất lượng đường sá, phương pháp quản lý, quy hoạch giao thông...
 
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, trong đề án phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2010 - 2015) của TP Hà Nội, sản xuất công nghiệp chủ yếu là lắp ráp quạt điện, tivi, tủ lạnh, xe đạp, xe máy... Hiện nay, trên khắp địa bàn Hà Nội có khoảng 30 nhà máy, xí nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đạp nhưng không tiêu thụ được sản phẩm. Bởi vậy, theo ông Liên, đề xuất này có thể là một giải pháp nhằm kích cầu đối với ngành công nghiệp sản xuất xe đạp tại Hà Nội.
 
Không phù hợp thực tiễn
 
Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, đề án của Sở Công Thương không có tính khả thi trong bối cảnh giao thông Hà Nội hiện nay. “Những nước tiên tiến trên thế giới họ đã áp dụng giải pháp này, nhưng, ở các nước, đường sá của họ rất rộng, có làn riêng cho xe đạp, cho người đi bộ, xe máy”. 
 
Hơn nữa, chiến lược phát triển giao thông đô thị của Hà Nội trong tương lai là vận tải hành khách công cộng như buýt nhanh, đường sắt đô thị… chứ không phải xe đạp. Đường sá Hà Nội hiện nay chưa thể phân làn dành riêng cho xe đạp. Trong khi đó, ùn tắc giao thông hiện nay chủ yếu tập trung ở các tuyến đường nội đô. 
 
PGS-TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn đường bộ (Đại học GTVT) cũng nhận định: “Một bộ phận người làm việc tại văn phòng đã sẵn sàng đi xe đạp như hình thức rèn luyện thể thao, với khoảng cách di chuyển gần khoảng 3-5 km. Nhưng với những người công việc di chuyển nhiều, nhà ở xa chỗ làm thì xe đạp chưa thực sự thuận tiện. Việc đi xe đạp có ý nghĩa nhiều hơn về mặt môi trường, còn về giảm ùn tắc thì chưa thể khẳng định vì diện tích sử dụng lòng đường của xe đạp cũng xấp xỉ xe máy”. Lý do theo PGS-TS Nguyễn Quang Toản, xe đạp là phương tiện di chuyển chậm nên cần có làn đường riêng mới khuyến khích được người dân sử dụng. “Tạo làn đường riêng cho xe đạp được là rất tốt, nhưng trong bối cảnh lòng đường Hà Nội hẹp như hiện nay thì điều này là rất khó”.
 
Theo An  Ninh Thủ Đô