Khuôn khổ pháp lý mới

Trước năm 2017, vấn đề hòa giải tranh chấp kinh doanh, thương mại mới chỉ được ghi nhận trong pháp luật thực định ở những nguyên tắc cơ bản (một số quy định ở Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Trọng tài thương mại năm 2010). Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có một chương quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Theo đó, Tòa án sẽ công nhận các kết quả hòa giải được tiến hành theo thủ tục hòa giải. Tuy nhiên, chỉ đến năm 2017, với sự ra đời của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP (ngày/02/2017) của Chính phủ quy định về hòa giải thương mại thì mới có cơ chế chính thức để xác lập hiệu lực thi hành của kết quả hòa giải.

Theo đó, hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này. Nguyên tắc (và cũng là đặc trưng) của việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại: mang tính hoàn toàn tự nguyện, có sự tham dự của bên thứ ba (hòa giải viên) – độc lập và khách quan trong quá trình giải quyết tranh chấp; việc hòa giải không làm ảnh hưởng đến việc các bên sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác; giữ bí mật thông tin vụ việc hòa giải;....

leftcenterrightdel
Cần xây dựng đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực hòa giải thương mại. 

Để đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, Nghị định quy định dẫn chiếu việc công nhận kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Nhận xét về khung pháp lý của hòa giải thương mại, tại Hội thảo “Quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về hoạt động hoà giải thương mại” do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Tổ chức IFC - thành viên Nhóm Ngân hàng thế giới tổ chức, bà Nina Mocheva, Chuyên gia Tài chính cấp cao, Thị trường - Tài chính, Nhóm Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam đã có bước đi quan trọng trong việc thông qua khuôn khổ pháp lý mới về giải quyết tranh chấp thương mại bằng cả hoà giải và trọng tài: “Chúng ta có cơ chế khá tiến bộ, có cả 1 chương về vấn đề thi hành, có luật về trọng tài thương mại và nghị định về hoà giải thương mại. Đây là bước tiến quan trọng và tiếp theo sẽ là việc đưa vào thực thi trong thực tiễn”, bà Nina Mocheva khẳng định.

Khẳng định vị thế bằng uy tín của hòa giải viên


Cũng theo bà Nina Mocheva, để sử dụng các quá trình hoà giải thương mại này, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của các trọng tài viên có năng lực. Điều này đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực hoà giải thương mại.

Về năng lực của hòa giải viên thương mại, Nghị định 22/2017/NĐ-CP có quy định 03 tiêu chuẩn: có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín độc lập, khách quan; có trình độ đại học và có kinh nghiệm 2 năm trở lên trong lĩnh vực; có kỹ năng hoà giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh. Tuy nhiên, ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng thư ký VIAC cho rằng, các tiêu chuẩn được quy định tại Nghị định là các tiêu chuẩn tương đối thấp, với việc đạt được các tiêu chuẩn này thì có lẽ vẫn chưa đủ để các hoà giải viên tiến hành hoà giải một cách hiệu quả trên thực tế. Bởi thực chất, các hoà giải viên cần phải có nhiều kỹ năng mềm và kinh nghiệm hơn cả một trọng tài viên để có thể tiến hành hoạt động hoà giải. Ngoài ra, uy tín của hoà giải viên đóng vai trò quan trọng đối với quá trình và kết quả hoà giải. Nghị định 22 cũng cho phép các tổ chức hoà giải thương mại được đặt ra các quy chuẩn cho các hoà giải viên của tổ chức đó cao hơn tiêu chuẩn của Nghị định.

Ông Phan Trọng Đạt cho biết, tất cả những quy định pháp luật tại Nghị định 22/2017/NĐ-CP đã được cụ thể hoá trong Bộ quy tắc dành cho hoà giải viên của Trung tâm hoà giải thương mại Việt Nam (VMC, thuộc VIAC). Đây sẽ là Bộ quy tắc điều chỉnh toàn bộ các thủ tục hoà giải thương mại diễn ra tại VMC.

Đánh giá về triển vọng của hòa giải ngoài tòa án, ông Nguyễn Đình Tiến - Phó Chánh toà, Toà Kinh tế, TAND TP. Hà Nội nhìn nhận, thủ tục hoà giải trong tố tụng toà án tuy được đánh giá là khá hiệu quả, nhưng lại quá chặt chẽ và tương đối rườm rà. Còn các hoạt động hoà giải ngoài tố tụng được quy định trong Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại được đánh giá là linh hoạt hơn và ngắn gọn hơn. Ông Tiến hy vọng, thời gian tới sẽ có những vụ hoà giải thành đầu tiên theo Nghị định 22 mang đến Toà án xin công nhận để Tòa thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Thực tế đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các tranh chấp kinh doanh, thương mại. Số liệu của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy, số vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC chỉ trong 3 năm gần đây đã bằng số vụ của 10 năm trước đó. Lĩnh vực tranh chấp cũng rất đa dạng, bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thương mại đầu tư... Tính đến nay đã có trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ có doanh nghiệp tranh chấp với các doanh nghiệp Việt Nam được giải quyết tại VIAC.

Bùi Thu

 Với thủ tục đơn giản, linh hoạt, gọn nhẹ, khẩn trương, tiết kiệm được thời gian, chi phí - hòa giải thương mại mang lại lợi thế cho các bên khi có cơ hội lựa chọn một quy trình phù hợp, tránh những thủ tục pháp lý phức tạp. Các bên cũng biết trước kết quả và được quyết định phương án hòa giải - đây là khác biệt quan trọng với việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án.

Trong năm 2017, đã có 19 vụ việc được giải quyết bằng hòa giải, theo đó Hội đồng Trọng tài ra quyết định công nhận kết quả hòa giải giữa các bên và được các bên tranh chấp đánh giá cao; đặc biệt, các bên tranh chấp đã tự nguyện thi hành kết quả hòa giải.