Cơ quan chức năng đã bác bỏ thông tin cho rằng, trứng gà Trung Quốc bị tiêm máu có chứa virus HIV. Virus HIV không thể tồn tại trong quả trứng gà và đến được tay người tiêu dùng.
 


Ông Nguyễn Văn Trọng cũng cho biết, hiện theo quy định, tất cả nguồn gia cầm, trứng gia cầm khi ra thị trường đều phải thông qua kiểm dịch thú y. Người nông dân hiện nay cũng đã ý thức việc chấp hành các quy định về sản xuất, chăn nuôi và kinh doanh gia cầm, nhất là những hộ và chủ trang trại làm ăn có quy mô lớn, bài bản.

“Họ tính toán cẩn thận, chăn nuôi khoa học hơn từ thức ăn, con giống đến đầu ra như trứng, thịt gia súc gia cầm. Do vậy, người tiêu dùng cũng nên ủng hộ nông dân bằng cách chỉ tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tẩy chay các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ”, ông Nguyễn Văn Trọng bày tỏ.​

Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) chia sẻ: “Không thể có trứng gà giả nhiễm HIV trên thị trường”. Virus HIV không thể sống trong môi trường ngoài cơ thể như ở silicon hay cao su, hơn nữa lại được đun nấu ở nhiệt độ cao.

Theo ông Nguyễn Duy Thịnh, nếu thật sự có trứng giả làm bằng silicon hoặc cao su giống y như trứng tự nhiên thì chỉ có trong phòng thí nghiệm phục vụ cho mục đích nào đó. “Mục đích đầu tiên của người làm giả hàng hoá là vì lợi nhuận, trong khi đó nếu sử dụng silicon hoặc cao su làm trứng thì giá thành của một quả trứng giả sẽ phải cao gấp nhiều lần so với một quả trứng tự nhiên, chưa kể đến công nghệ sản xuất đòi hỏi phải rất tinh vi và tất nhiên rất đắt đỏ. Không ai lại đi làm giả trứng gà mà không thu về lợi nhuận”, ông Nguyễn Duy Thịnh cho hay.

Còn khả năng trứng thật được cấy HIV cũng là điều không tưởng bởi virus HIV không thể sống trong môi trường quả trứng đủ lâu để đến tay người dùng. “Riêng chuyện cấy được virus HIV vào quả trứng tôi đã cho là việc làm phi lý” – ông Thịnh khẳng định. Về việc nhiều quả trứng có cấu tạo, hình dạng hay màu sắc bất thường, theo tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, đó không phải là điều đáng lo ngại: “Có thể trong quá trình bảo quản, chế biến…, quả trứng bị hỏng, bị biến đổi… Thậm chí rất có thể con gà, con vịt đó bị biến đổi gene hoặc ăn phải thức ăn nhiều hóa chất… Tự nhiên không thiếu gì những điều khác thường”.

Đây không phải lần đầu tiên tin đồn thất thiệt được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội, gây ra những hậu quả không nhỏ cho người sản xuất, kinh doanh. Bài học “ăn bưởi gây ung thư” khiến hàng nghìn người nông dân trồng bưởi lao đao, người trồng bưởi Tiền Giang ước tính bị thiệt hại 100 tỷ đồng do tin đồn này. Rồi tin đồn ăn cá kèo, cá rô đầu vuông gây ung thư cũng khiến các hộ nuôi cá kèo ở Bạc Liêu liêu xiêu…
 

Theo ANTĐ

.