Đối với các cửa hàng xăng dầu trên đường sông, đường biển do kinh doanh xăng, dầu thông qua đo dung lượng qua téc ba-rem, ba-rem hầm hàng, thùng phi hoặc téc lớn có sẵn dung lượng quy định nên không có vị trí dán tem để quản lý số lượng xăng, dầu bán ra.

leftcenterrightdel
Dán tem thuế tại các cây xăng nhằm tránh tình trạng gian lận, thất thu thuế Nhà nước. Ảnh: TH. 

“Việc kiểm tra, ghi chép đồng hồ trên biển và việc dán tem gặp nhiều khó khăn do hạn chế về phượng tiện đi lại hoạt động cho Đoàn kiểm tra, thông tin liên lạc đa số đều liên lạc qua số máy điên thoại cố định do đó nhiều khi không liên lạc được; các tàu thường xuyên thay đổi vị trí và có một số tàu đã bán, chuyển đổi cho các doanh nghiệp khác”, cán bộ 389 tỉnh Quảng Ninh nói.

Do vậy, BCĐ tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị BCĐ 389 Quốc gia cần có các giải pháp trong việc quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trên đường sông và đường biển. Đối với các tàu bán lẻ xăng dầu trên biển chủ yếu cấp theo hợp đồng, theo yêu cầu của bên mua phải đi đến địa điểm cấp, nếu chỉ đỗ một chỗ để bán sẽ ít khách hàng tới mua, tàu công suất lớn không thể cập vào tàu (cửa hàng) bán lẻ xăng dầu. Do vậy, đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu cho phép tàu (cửa hàng) bán lẻ xăng dầu có thể di chuyển bán hàng trong một khu vực nhất định để thuận lợi cho việc cấp xăng dầu.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai dán tem niêm phong các phương tiện đo xăng dầu, Cục Thuế tỉnh đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện rà soát, lập danh sách các cơ sở kinh doanh xăng dầu thuộc diện phải dán tem trên địa bàn tỉnh; tổ chức đoàn liên ngành thực hiện dán tem tại các cửa hàng xăng dầu. Kết quả: đã hoàn thành dán tem tại 621 cột bơm của 158 cửa hàng và tàu trên sông, biển; dán lại tem, dán tem mới đối với 28 cửa hàng sửa chữa, cửa hàng mới, dán 146 tem tại các cột đo xăng dầu; tổng số lượng tem niêm phong đã được sử dụng là 1.922 tem.

Sau khi hoàn thành dán tem, Cục Thuế tỉnh đã tiếp tục phối hợp với các ngành định kỳ hàng tháng, quý đến điểm bán lẻ xăng dầu để kiểm tra tình trạng tem niêm phong; đồng thời thực hiện quản lý ghi nhận chỉ số công tơ tổng và cử cán bộ xác nhận chỉ số công tơ tại thời điểm sửa chữa trong trường hợp các cột bơm xăng dầu phải sửa chữa liên quan đến việc tháo dỡ tem. 

Kết quả đã thực hiện chốt đối với 258 lượt cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Thông qua việc dán tem và chốt số đồng hồ công tơ tổng, đối chiếu hóa đơn đã sử dụng từng lần chốt số với chỉ số trên đồng hồ tổng của các cột bơm xăng, dầu cho thấy về cơ bản các đơn vị đã chấp hành việc kê khai xác định doanh thu căn cứ sản lượng bán ra theo số liệu các đoàn liên ngành của tỉnh đã ghi nhận trên các cột bơm xăng dầu hàng tháng (quý).

Theo các chuyên gia trong ngành, thời gian qua, tình hình buôn lậu xăng dầu trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra, nhưng ở mức độ nhỏ lẻ, phạm vi hoạt động hẹp, không hình thành các đường dây, tổ chức quy mô lớn. Nguồn xăng dầu chủ yếu được các đối tượng vận chuyển từ một số tỉnh lân cận về giao cho các đại lý bán lẻ; xăng dầu được thu gom từ các lái xe trên mỏ; dầu thải, dầu thừa của các tàu nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam... với số lượng không nhiều, sau đó bán lại cho các đối tượng thu gom xăng dầu, chủ yếu là đại lý bán lẻ xăng dầu trên biển và một số ngư dân tự hoán cải phương tiện đánh bắt thủy sản để mua bán xăng dầu.

Trong lĩnh vực thuế cũng xảy ra tình trạng doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu như kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào các hóa đơn mặt hàng xăng, dầu của các doanh nghiệp bỏ trốn với giá trị lớn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu chủ yếu do: mức thu lợi bất chính cao do trốn được các loại thuế, phí, lệ phí; công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, phát hiện, ngăn chặn của các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, thống nhất; một số quy định của Nhà nước trong quản lý xăng dầu còn bất cập... đã tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm.

BCĐ 389 tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu trên tuyến, lĩnh vực, địa bàn phụ trách như: Chủ động xây dựng các kế hoạch, chuyên đề, tuần tra, kiểm soát hoặc xác lập các chuyên án, vụ án để tổ chức đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; chủ động nghiên cứu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý về đo lường, chất lượng, hóa đơn, chứng từ; các quy định trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển. lưu thông xăng dầu trên đường vận chuyển...; không để các đối tượng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế khi tham gia hoạt động nhập khẩu, kinh doanh, vận chuyển xăng dầu.

Minh Phương/Báo Tin tức