Giá gas đồng loạt tăng gần 80 ngàn đồng/kg vào ngày đầu tiên của tháng 12 thực sự là một cú sốc với toàn bộ thị trường. Với mức giá cao nhất trong hơn 2 năm qua, gas đã cảnh báo làn sóng tăng giá cuối năm đang đến.
 
 
Ông Minh Hoàng, chủ một quán ăn ở Tâm Phú cho biết, vì nấu nướng buôn bán thường xuyên nên phải dùng gas. Nhưng hôm nay đúng lúc kêu gas mang đến thì mới biết giá tăng khủng khiếp như vậy. Bây giờ có lẽ phải giảm bớt một bình và dùng than đá, nếu cứ sử dụng gas như hiện nay thì anh kinh doanh chỉ huề vốn là cùng.
 
DN mất lãi vì gas
 
Đau đầu nhất trong vụ tăng giá gas có lẽ là các DN kinh doanh nhà hàng, các đơn vị dùng gas để nung, đốt. Giám đốc một nhà hàng ở Quận 7 – Tp Hồ Chí Minh cho biết, nhà hàng của anh mỗi tháng tiêu thụ hơn 30 bình gas loại 12kg để nấu nướng, với mức tăng vừa qua, mỗi tháng nhà hàng của anh phải bù thêm 2,4 triệu đồng. Mà nghe nói giá gas còn tăng nữa thì thật là kinh khủng. Hàng ăn giờ đã ế ẩm nay không biết sẽ tăng giá sao đây.
 
Ngay cả những người buôn bán cơm bình dân cũng lo lắng. Một nhà hàng cơm bình dân ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, mỗi tháng quán cơm tiêu thụ khoảng 15 bình gas, tăng thêm tức là mỗi tháng sẽ phải chi thêm 1,2 triệu đồng tiền gas. Hiện nay, bán hàng ăn rất khó vì người lao động thu nhập giảm. Giá gas đã tănng ít nhất hai lần trong hai tháng qua công thêm giá điện tăng hồi tháng trước đó khiến cho chi phí tăng lên. Ban hàng bây giờ khó quá, không tăng thì lỗ, tăng thì mất khách.
 
Còn ông ông Vương Siêu Tín - phó chủ tịch Hội Gốm sứ Bình Dương, giám đốc Công ty gốm Phước Dũ Long (Bình Dương) - cho biết, trung bình một tháng các doanh nghiệp trong hội tiêu thụ trên 1.000 tấn gas, riêng công ty ông tiêu thụ gần 200 tấn. Ông Tín phân tích giá gas chiếm đến 45% trong cơ cấu giá thành một sản phẩm gốm sứ. Theo đó, giá gas tăng thêm 267,5 USD/tấn (tương đương 80.000 đồng/bình 12kg) bắt buộc các công ty phải tính giá thành sản phẩm tăng thêm ít nhất 10%. Nếu giữ giá bán cũ, mỗi tháng công ty thiệt hại hơn 200 triệu đồng cho chi phí gas tăng thêm.
 
Đại diện một một doanh nghiệp thực phẩm đóng hộp cho biết, đang vào cao điểm sản xuất hàng hóa như lúc này mà lại tăng giá, thật sự doanh nghiệp đang rơi vào thế khó vì giá đã cam kết theo hợp đồng.  Giá nhiên liệu tăng làm cơ cấu giá thành sản phẩm tăng lên, điều này khiến doanh nghiệp ôm thiệt hoặc giảm lời chứ làm sao mà tăng giá thành được.
 
Theo Vietnamnet
.