Chín tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 146 triệu USD. Nếu tính cả lượng rau quả qua đường tiểu ngạch thì chắc chắn số lượng còn cao hơn nhiều. Tuy nhiên, trên thị trường, từ siêu thị đến các cửa hàng hoa quả, các chợ và cả người bán hàng rong, không nơi nào khẳng định có bán hoa quả Trung Quốc.
Không biết bán ở đâu
Trên đường đi thăm người thân, chị Nguyễn Hoài Thương tạt vào ven đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội) hỏi mua một ít nho đỏ làm quà. Cẩn thận, chị Thương có hỏi lại người bán hàng rằng có phải nho Trung Quốc không thì người này khẳng định đây là nho Ninh Thuận và nói thêm: “Nho Trung Quốc là cái loại bọc trong túi bóng bán ở cửa hàng ấy”.
Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ hơn, chị Thương được biết thực chất Ninh Thuận không trồng được loại nho đỏ quả và chùm to như loại chị vừa mua, cũng như loại nho xanh không hạt đang bán tràn lan ngoài đường.
Nho đỏ Ninh Thuận quả nhỏ và tròn hơn, các loại nho Ninh Thuận đều có hạt và ăn chua rôn rốt chứ không ngọt lịm như nho Trung Quốc, hơn nữa không có giá thành 40 nghìn đồng/kg như loại nho chị mua mà đắt gấp rưỡi.
Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết các điểm bán hoa quả đều khẳng định không bán hoa quả Trung Quốc. Tại các siêu thị lớn của Hà Nội, ngoài các loại hoa quả xuất xứ Việt Nam thì còn lại đều ghi nguồn gốc từ Mỹ, Úc, New Zealand, Thái Lan, Hàn Quốc... hoàn toàn vắng bóng hoa quả Trung Quốc.
Tương tự, các hệ thống phân phối hoa quả sạch cũng không có hoa quả Trung Quốc. Trong khi đó, tại các cửa hàng hoa quả nhỏ lẻ và những người bán hàng rong, tất cả đều khẳng định chỉ bán hoa quả Việt Nam.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại chợ Long Biên - chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Hà Nội, sáng nào cũng có hàng loạt xe ô tô tải chở đủ các loại hoa quả như: táo, lê, cam, nho, dưa... từ cửa khẩu Lạng Sơn lũ lượt đổ về.
Các xe này chất đầy những thùng hàng có in chữ Trung Quốc, một số loại hoa quả nhanh hỏng còn được bảo quản lạnh. Một lái xe đang ngồi nghỉ sau khi đã đổ hàng cho các tiểu thương khẳng định tại chợ này gần một nửa là hoa quả Trung Quốc, trong đó có những loại hàng Trung Quốc “độc quyền” như lê, lựu.
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, hàng năm, Việt Nam nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn hoa quả Trung Quốc. Trong số đó, 8 loại được nhập về với số lượng cực lớn, đó là: lựu (hiện nước ta chưa có vùng trồng lựu tập trung để bán), dưa lưới vàng, hồng ngâm, nho, cam, quýt siêu ngọt, táo, lê. Nhiều loại vào chính vụ, mỗi ngày chúng ta nhập con số lên đến cả trăm tấn.
Đáng nói, sau khi qua tay các tiểu thương thì tất cả được “khoác áo” hoa quả Việt như cam Hà Giang, cam Cao Phong, quýt Tiền Giang, dưa lưới Tiền Giang, táo mèo Tây Bắc, táo đá Hà Giang, hồng ngâm Lào Cai...
Độc hại hay không độc hại?
Theo các chuyên gia, sở dĩ các tiểu thương đánh tráo nguồn gốc hàng Trung Quốc thành hoa quả Việt Nam là do tâm lý e ngại hàng Trung Quốc của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm này, chưa có công bố chính thức nào từ các cơ quan chức năng về việc hoa quả Trung Quốc chứa chất độc hại gì, có hại ra sao.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội), tâm lý lo sợ của người tiêu dùng xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi không có câu trả lời xác đáng về vấn đề này.
“Lâu nay chúng ta cứ nói hoa quả Trung Quốc là độc, nhưng độc hay không, độc như thế nào thì lại không có cơ quan nào đứng ra công bố. Người tiêu dùng thì mù mờ về thông tin, vì vậy cứ nghe đồ Trung Quốc là sợ”.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, chất bảo quản hoa quả thực chất không phải quá nhiều đến mức Việt Nam không có chất thử, không có phương pháp thử. “Nếu người Trung Quốc hay tiểu thương Việt Nam có sử dụng chất bảo quản thì cũng chỉ dùng các chất phổ biến thôi, vì các chất hiếm chắc chắn giá thành sẽ rất đắt, trong khi hoa quả Trung Quốc đa phần giá rẻ thì họ không thể dùng một loại hóa chất đắt tiền để bảo quản được” - ông nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, các cơ quan chức năng cần sớm có một nghiên cứu, kiểm nghiệm khách quan. “Nếu hoa quả Trung Quốc độc hại thì nhất thiết phải cấm, không để bán tràn lan như hiện nay. Còn nếu không độc hại cũng phải công bố để người dân yên tâm” - ông Nguyễn Duy Thịnh nói.
Theo Hà Loan/ANTD.VN