Hoa mắt với "rừng" sữa tươi nhập khẩu
Cập nhật lúc 23:36, Thứ sáu, 15/07/2016 (GMT+7)
Cùng với các loại sữa nội, thị trường sữa tươi đóng hộp VN thời gian qua
cũng tràn ngập các
thương hiệu nước ngoài. Chỉ trong nửa đầu năm, VN đã nhập khẩu gần 400 triệu USD sữa và các sản phẩm từ sữa.
|
Người tiêu dùng chọn mua sữa tươi tại siêu thị - Ảnh: HỮU THUẬN |
Sau một thời gian dài chỉ mua sữa nội, chị Hoàng Thanh Hà (quận 2, TP.HCM) vừa chuyển sang sử dụng một thương hiệu sữa tươi nhập khẩu từ Úc, với lý do tin tưởng hơn về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như không có chuyện nhập nhằng giữa sữa tươi và sữa hoàn nguyên.
“Thông tin về một số loại “sữa tươi” nội địa được sản xuất từ sữa bột hoàn nguyên khiến tôi lo ngại về chất lượng và an toàn vệ sinh. Hơn nữa, các
nhà sản xuất này cũng không sòng phẳng, công bố một đằng nhưng chất lượng một nẻo” - chị Hà cho biết.
Cũng như chị Hà, nhiều bà nội trợ khẳng định các sản phẩm sữa tươi nhập khẩu từ các quốc gia như Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật, Canada... “chắc chắn không phải là sữa hoàn nguyên” nên chuyển sang sử dụng các sản phẩm này, dù giá bán các loại sữa tươi ngoại nhập cao hơn từ 1,5-4 lần so với sữa tươi trong nước.
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, chỉ một số ít sản phẩm nhập khẩu này có mặt tại các siêu thị, phần lớn còn lại được bán thông qua các website, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Vang - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN - thừa nhận một số doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột về pha thành sữa nước, do sản lượng sữa tươi trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành thực phẩm, không phải các sản phẩm sữa từ các quốc gia phát triển đều đảm bảo được sản xuất từ nguồn sữa chất lượng cao hay theo công nghệ tiên tiến nhất thế giới. “Quan trọng nhất là sữa nhập khẩu phải có thông tin rõ ràng, có thể truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng kiểm tra” - một chuyên gia nói.
Trong khi đó, theo ông Trần Bảo Minh - đại diện Công ty CP sữa quốc tế IDP, chất lượng sữa bò Úc, bò Mỹ và bò VN khác nhau bởi quy trình nuôi và nguồn dinh dưỡng khác nhau.
Do hạn chế về diện tích, các nước châu Á nói chung và VN nói riêng thường nuôi nhốt đàn bò và sử dụng thức ăn công nghiệp, bò nuôi dễ sinh bệnh, buộc phải dùng thuốc và chất lượng sữa bị ảnh hưởng.
Ngược lại, các quốc gia có ngành chăn nuôi bò sữa phát triển như Úc có đất đai rộng rãi, cỏ tươi dồi dào nên bò được chăn thả tự nhiên, đàn bò sinh trưởng khỏe mạnh, việc can thiệp bằng thuốc hay kháng sinh là rất hiếm.
“Người tiêu dùng ngày nay có xu hướng chọn các sản phẩm sữa từ những con bò được chăn thả tự nhiên hơn là bò nuôi công nghiệp vì e ngại dư lượng kháng sinh cũng như hormone tăng trưởng” - ông Minh nhận định.
Dẫn sản phẩm sữa tươi LiF (Úc) do đơn vị này nhập khẩu, ông Minh khẳng định đây là sữa tươi 100%, được vắt từ những con bò từ thung lũng Goulburn (Úc) đạt chuẩn chất lượng “5 không” là không chuồng trại, không thức ăn công nghiệp, không hormone tăng trưởng, không kháng sinh và không chất bảo quản.
“Thông tin đầy đủ và rõ ràng về nguồn gốc cũng như quy trình chăm sóc từ con bò cho đến khi ra hộp sữa cũng chưa đủ, người tiêu dùng cũng đòi hỏi những thông tin này phải chính xác với đầy đủ bằng chứng chứng minh chứ không phải chỉ là tuyên bố suông” - ông Minh nói.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh - trưởng ban vận động Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, trong bối cảnh chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được nhiều người tiêu dùng quan tâm hơn, những sản phẩm “tự xưng” là sạch cũng có thể bị người tiêu dùng nghi ngờ. Do đó, nhà sản xuất cần chủ động cung cấp thông tin minh bạch về sản phẩm để lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng. “Ngoài các thông tin theo quy định, nhà sản xuất nên chủ động cung cấp thêm thông tin về nguồn gốc nguyên liệu, các tiêu chuẩn tự nguyện và hệ thống truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng nắm rõ thông tin của sản phẩm hơn” - bà Minh nói. |
Theo Tuổi trẻ
.