(BVPL) - Huyện Tuy Phong - nơi con tôm giống làm nên thương hiệu tôm giống Bình Thuận rất ủng hộ cho việc chuyển đổi từ đất nuôi tôm thịt sang nuôi tôm giống. Đây là việc làm rất kịp thời và đáng ghi nhận vì sự phát triển chung, nơi cung cấp cho thị trường 40% con tôm giống của cả nước.


Thấy được hiệu quả kinh tế và mong muốn xây dựng vùng sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước và để khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đầu tư cơ sơ nuôi tôm giống quy mô, bài bản, UBND huyện Tuy Phong xin chuyển đổi 10,02ha đất nuôi tôm thịt sang nuôi tôm giống. Ban đầu, có một số ý kiến chưa đồng tình, cho rằng UBND huyện “xé rào”, “tùy tiện” phá vỡ quy hoạch, nhưng thật ra, căn cứ theo quy hoạch tổng thể vùng nuôi tôm thịt và sản xuất tôm giống của tỉnh Bình Thuận tại Quyết định 109/2008/QĐ-UBND ngày 31/12/2008, thì tại xã Vĩnh Tân diện tích nuôi tôm giống là 77ha. Đến nay, diện tích nuôi tôm giống mới chỉ đạt 68,49ha. Như vậy, việc UBND huyện Tuy Phong xin chuyển đổi 10,02ha đất từ nuôi tôm thịt sang nuôi tôm giống tại Vùng Đưng (xã Vĩnh Tân) vẫn là phù hợp và vẫn nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản mà UBND tỉnh đã phê duyệt trước đây.

Ông Nguyễn Thanh Sang - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân cho rằng: “Do quy hoạch đã lâu, quỹ đất hết, một số người dân, doanh nghiệp thấy nuôi tôm giống hiệu quả hơn, trước tình hình đó, huyện Tuy Phong đã đồng ý cho chuyển đổi một số ha đất nuôi tôm thịt sang nuôi tôm giống là đúng đắn. Đất chuyển đổi là đất của người dân đã có sổ đỏ và là đất nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Hơn nữa, vùng đất chuyển đổi là Vùng Đưng trước đây nuôi tôm thịt đã bị người dân phản ánh rất nhiều lần, vì người nuôi tôm xả đìa ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng, do đó việc chuyển đổi này được rất nhiều người dân ủng hộ và đồng tình”.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu - Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, cho biết, từ những năm trước đây và đến nay, tại khu vực Vùng Đưng, xã Vĩnh Tân, có các hộ dân nuôi tôm thịt sử dụng nguồn nước, thức ăn nuôi tôm thịt khá lớn và xả lượng nước thải từ nuôi tôm thịt khá nhiều ra môi trường, gây ngập úng tuyến kênh mương, xảy ra tình trạng tuyến kênh mương không thoát được nước vào mùa mưa, làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đã đề nghị chính quyền địa phương sớm quan tâm giải quyết vấn đề môi trường từ nước thải nuôi tôm thịt của các hộ dân tại khu vực này, do vậy vị trí này không còn phù hợp để nuôi tôm thịt.

Qua khảo sát thực tế tại vùng đất chuyển đổi này, một số cơ sở đầu tư xây dựng quy mô chẳng khác nào một “bệnh viện tôm”. Đây là sự bức phá đáng mừng, đáng ủng hộ vì chắc chắn các cơ sở sản xuất này sẽ góp phần cải thiện chất lượng tôm giống, góp phần giữ vững sản lượng ngành tôm Việt Nam.
 

Sỹ Nguyên

.