(BVPL) - Loại hình kinh doanh dịch vụ cầm đồ đang phát triển ồ ạt trên địa bàn Hà Nội, kèm theo đó là những hệ lụy gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự (ANTT).

 
[links()]
 
Nhiều ý kiến cho rằng, cần chấn chỉnh công tác quản lý, cấp phép hoạt động kinh doanh cầm đồ và cũng không ít nhà quản lý đồng tình với quan điểm nên dẹp bỏ, nếu thấy loại hình kinh doanh dịch vụ này không thực sự cần thiết cho xã hội.
 
Nên dẹp bỏ loại hình kinh doanh dịch vụ cầm đồ
Nên dẹp bỏ loại hình kinh doanh dịch vụ cầm đồ
 
Bỏ qua các quy định về ANTT
 
Ông Nguyễn Đăng Tám, Chủ tịch UBND phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Chỉ với hơn 1km đường Láng, nhưng đã có tới 72 hiệu cầm đồ mọc san sát nhau. Mặc dù UBND phường Láng Thượng đã thường xuyên chỉ đạo Công an và các ban, ngành chức năng tập trung quản lý hoạt động của các cơ sở cầm đồ này, nhưng ở đó vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp về ANTT”. Trao đổi với ông Chủ tịch UBND phường Láng Thượng, phóng viên ANTĐ được biết chủ hiệu cầm đồ nơi đây hầu hết có gốc gác ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, đến đường Láng thuê nhà mở dịch vụ. Do tính chất phức tạp của hoạt động cầm đồ, các cấp chính quyền phường Láng Thượng đã chỉ đạo công an cơ sở tăng cường kiểm tra việc kinh doanh cầm đồ. Hội đồng tư vấn thuế phường Láng Thượng, phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thuế quận Đống Đa tận thu thuế của các cơ sở kinh doanh cầm đồ. 
 
Thông qua nhiều đợt kiểm tra, công an và các đơn vị phối hợp của phường Láng Thượng chưa phát hiện những vi phạm pháp luật mang tính chất nghiêm trọng tại những cơ sở kinh doanh cầm đồ. Tuy nhiên, vẫn xảy ra những vi phạm trong hoạt động kinh doanh như hoạt động quá giờ quy định, không đủ điều kiện về ANTT và không có kho bãi lưu giữ tài sản cầm cố. Nhiều cơ sở cầm đồ mang xe máy, ô tô của khách đi gửi tại các điểm trông giữ xe công cộng và cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bỏ qua các quy định về ANTT chỉ vì ham lợi nhuận và cho vay tiền với lãi suất cao, thực chất là hoạt động “tín dụng đen”. Trước những vi phạm trên, Chính quyền phường Láng Thượng đã phát động toàn dân tham gia tố giác tội phạm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Chủ động phối hợp với lực lượng PCCC thành phố kiểm tra các cơ sở cầm đồ để phát hiện, xử lý vi phạm. 
 
Theo ông Nguyễn Đăng Tám, các cơ quan chức năng cần tổ chức khảo sát lại toàn bộ hoạt động của các cơ sở kinh doanh cầm đồ trên tuyến đường Láng. Phát hiện cơ sở nào không đủ điều kiện về ANTT và để xảy ra vi phạm thì thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh, nhằm giảm bớt loại hình dịch vụ này. Nếu xét thấy dịch vụ cầm đồ không cần thiết cho xã hội, mà chỉ phục vụ lợi ích riêng của một số người và chỉ mang lại những phức tạp về ANTT thì nên dẹp bỏ.
 
Thực chất là cho vay nặng lãi
 
“Phố Đặng Dung, quận Ba Đình có 16 hiệu cầm đồ, chuyên cầm cố các loại điện thoại di động, máy tính xách tay và đồng hồ cao cấp. Cách đây 4 năm, hoạt động cầm đồ nơi đây rất rầm rộ với một lượng lớn khách là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội” - Trung tá Nguyễn Mạnh Long, Phó trưởng CAP Quán Thánh, quận Ba Đình cho biết. Hoạt động cầm đồ ở phố Đặng Dung vào những năm trước khá phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến ANTT trên địa bàn. Thực chất của hoạt động cầm đồ là cho vay nặng lãi và chủ hiệu cầm đồ luôn nắm phần thắng trong tay bởi những thủ đoạn nhằm trói buộc khách hàng. 
 
Để ngăn chặn hoạt động phi pháp xảy ra tại các cơ sở kinh doanh cầm đồ, CAP Quán Thánh phối hợp với Đội QLHC về TTXH - CAQ Ba Đình và cơ quan Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý ngay những vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm này. Có thời điểm, CAP Quán Thánh và cơ quan Quản lý thị trường đã phát hiện, thu giữ hàng trăm chiếc điện thoại di động không rõ nguồn gốc tại các cơ sở cầm đồ. Bên cạnh công tác kiểm tra hành chính công khai, CAP Quán Thánh cử trinh sát hình sự mật phục tại khu vực diễn ra hoạt động cầm đồ để nắm chắc tình hình, diễn biến hoạt động của các đối tượng thường xuyên ra vào nơi đây, nhằm phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. 
 
Trong những năm gần đây, hoạt động cầm đồ ở phố Đặng Dung chưa xảy ra những vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng và được lực lượng công an sở tại kiểm soát chặt chẽ. Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Long, mặc dù chưa xảy ra những vi phạm nghiêm trọng, nhưng hoạt động này tiềm ẩn rất nhiều phức tạp liên quan đến ANTT. Vì vậy, không nên khuyến khích phát triển loại hình kinh doanh cầm đồ, hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho dịch vụ này. 
 
Quận Thanh Xuân là một trong những địa bàn có nhiều hiệu cầm đồ hoạt động, tập trung phần lớn ở gần các khu ký túc xá sinh viên một số trường đại học. Theo Thượng tá Đào Đức Hoàn, Phó trưởng CAQ Thanh Xuân, hoạt động cầm đồ trên địa bàn luôn được quản lý chặt chẽ và chưa để xảy ra những vi phạm về ANTT. Qua công tác trinh sát, thu thập tài liệu của cơ quan điều tra cho thấy, các chủ hiệu cầm đồ vẫn lợi dụng những kẽ hở của luật pháp và sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng để hoạt động cho vay nặng lãi và có dấu hiệu tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Với quan điểm loại hình kinh doanh dịch vụ cầm đồ chưa đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội và chỉ gây ảnh hưởng đến ANTT, Thượng tá Đào Đức Hoàn kiến nghị các cơ quan chức năng hạn chế cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, tiến tới cấm hẳn dịch vụ này trong tương lai gần.
 
Theo Hồng Tuấn
Anninhthudo.vn
.