Hàng Tết: Chợ càng nhỏ giá càng đắt đỏ
Cập nhật lúc 20:43, Thứ năm, 23/01/2014 (GMT+7)
Hàng hóa dịp Tết được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuẩn bị dồi dào. Thậm chí, nhiều đơn vị còn công bố giảm giá các mặt hàng để chống ế. Tuy nhiên, giá từ cơ sở phân phối ra thị trường cứ tăng đều qua từng cấp chợ. (sản xuất, Chợ, chăn nuôi, cơ sở, đắt đỏ, doanh nghiệp)
Hàng hóa dịp Tết được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuẩn bị dồi dào. Thậm chí, nhiều đơn vị còn công bố giảm giá các mặt hàng để chống ế. Tuy nhiên, giá từ cơ sở phân phối ra thị trường cứ tăng đều qua từng cấp chợ.
Theo tính toán của một số cơ sở kinh doanh sản phẩm gia cầm, với giá gà lông về đến lò mổ khoảng 21.000 đồng/kg, chỉ cần cộng thêm 6.000 đồng/kg chi phí giết mổ là tính được giá sản phẩm sau giết mổ. Các chủ lò mổ bán sỉ cho tiểu thương chợ lẻ ở mức 30.000 đồng/kg là đã có lời khoảng 3.000 đồng/kg. Tiểu thương bán lẻ đến tay người dùng khoảng 32.000-35.000 đồng/kg là phù hợp, chứ không thể nào có giá vô lý lên tới 48.000-50.000 đồng/kg như hiện nay.
Trong khi đó, trứng gà bán lẻ tại thị trường TP.HCM lại chênh lệch khá xa so với giá trứng tại các trang trại. Chẳng hạn, giá trứng gà loại một đang được tiểu thương các chợ Thái Bình, chợ Cũ, Tân Định (quận 1), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) hay một số chợ quận 4 bán ra dao động từ 23.000-24.000 đồng/chục; trứng loại 2 có giá 22.000-22.500 đồng. Một số tiểu thương cho hay mức giá này duy trì khoảng hơn một tháng trở lại đây, mặc dù giá bán sỉ ở hệ thống đại lý giảm 2.000-3.000 đồng/chục.
Bên cạnh các mặt hàng thực phẩm giết mổ tăng giá thì giá các mặt hàng rau củ chênh lệch ở mức lớn đã khiến nhiều nhà vườn bức xúc. Một phép tính đơn giản của chủ vựa rau tại Lâm Đồng cho thấy, giá cả mặt hàng rau củ đã bị đội lên khủng khiếp ở các chợ. Cụ thể, một ký su su nhập về chợ đầu mối chỉ mức 700 đồng, nhưng thương lái ở đây bán sỉ đến 2.000 đồng, mỗi ký họ bỏ túi tiền lời đến hơn 1.000 đồng. Tiểu thương chợ lẻ cũng chỉ phải tốn thêm vài trăm đồng phí vận chuyển, nhưng khi bán đến tay người tiêu dùng thì có giá đến 6.000 đồng/kg, lời gần 5.000 đồng/kg.
Ông K’Đào chua chát: "Chúng tôi trầy trật suốt mùa vụ vừa qua, đầu tư nhiều từ cây giống, phân bón, kỹ thuật nhưng bán hàng chỉ ở giá gốc, lấy công sức của mình bù vào phần lỗ do rau bị rớt giá. Tuy nhiên, khi về đến chợ lẻ thì rau đã tăng giá gần chục lần, như vậy các khâu trung gian đã kiếm lợi nhuận trên chính sự thua lỗ của chúng tôi”.
Theo Vietnamnet
.