Mỗi sáng khi kiểm tra Facebook, chị Hoàng Hồng Nhung, nhân viên công ty TTLC tại quận Cầu Giấy, Hà Nội luôn thấy quá nhiều tin nhắn. “Toàn người bán hàng gửi tin nhắn và tag mình trong các mẩu quảng cáo”, chị Nhung phàn nàn.


Túi “hàng hiệu” bán trên mạng thường được chủ hàng nói rõ ràng: đây là hàng fake (nhái) 1 hay fake 2, giá thường không công bố mà nhắn khách hàng có nhu cầu thì nhắn tin vào hộp thư thoại (inbox). Các chủ hàng luôn cam kết: hàng fake như thật và rất khó để nhận ra đâu là hàng fake 1 với hàng thật nên khách hàng cứ yên tâm. Chị Nhung cho biết, những chiếc túi hàng fake 1 cũng có giá tới vài triệu đồng mỗi chiếc.

Giày, đồng hồ… cũng vậy, nhưng khác ở chỗ chủ hàng không công bố đó là hàng fake mà nghiễm nhiên thừa nhận đó là hàng của các thương hiệu lớn. Tuy nhiên, những đôi giày hàng hiệu này chỉ có giá vài trăm ngàn đồng và thường được các chủ hàng giải thích đó là sản phẩm lỗi nên có giá như vậy.

Quần áo thời trang cũng không kém phần phong phú các thương hiệu lớn như Burberry, Gucci, Yves Saint Laurent… Không cần biết các sản phẩm này có xuất xứ từ đâu, các chủ hàng vẫn gọi tên các mặt hàng theo tên nhãn mác được gắn trên quần áo, đầm. Điều dễ thấy là mỗi sản phẩm này cũng chỉ có giá khoảng 200.000 – 400.000 đồng. Nếu chú ý kỹ thì ngay cả sản phẩm giảm giá kịch trần của các hãng này tại nước ngoài cũng không có giá như vậy.

Tự tung tự tác thị trường

Thông thường, những chủ các shop hàng hiệu fake trên mạng thường là các hộ kinh doanh nhỏ. Có nhiều chủ hàng không thuê mặt bằng để mở cửa hàng mà chỉ bán qua mạng và giao hàng tới tận tay khách.

Anh Nguyễn Thiêm, một người từng có chuyến công tác hơn nửa tháng ở “thiên đường hàng nhái” Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết, phần lớn “hàng hiệu” ở Việt Nam có nguồn gốc từ đây.

Thời gian gần đây, các chủ hàng không cần phải tự lặn lội sang Quảng Châu để chọn hàng. Họ cũng lên mạng, chọn hàng ở một vài website chuyên bán hàng Quảng Châu và sẽ có “đầu nậu” chuyển hàng về cho họ. Hàng về đến nơi thì sẽ giao tiền. Tuy nhiên để đặt hàng theo hình thức này, thông thường các chủ hàng đã từng sang và tìm hiểu kỹ về hàng fake Quảng Châu.

Anh Thiêm cho biết, với hình thức mua hàng và kinh doanh nhỏ lẻ như vậy, hầu như các chủ hàng thoát qua khỏi sự kiểm soát của cơ quan quản lý thị trường. Quá nhiều các cửa hàng trên mạng, trên Facebook, các website mở ra phục vụ cho việc bán hàng trên mạng tạo cơ hội cho loại hàng giả hiệu len lỏi đến với người tiêu dùng theo từng cái click chuột.
 

Theo Dân Việt

.