Không ít người đang lấy việc mua sắm và sử dụng hàng hiệu đắt tiền như một cách để khẳng định mình, khẳng định vị thế xã hội của mình. Khi mặc trên người những bộ cánh có giá nhiều triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng, dùng điện thoại xịn, đi xe sang, họ mới cảm thấy có được sự tự tin trước những người xung quanh.
Lẽ ra hai chữ “đẳng cấp” phải được thể hiện bằng những giá trị được xã hội ghi nhận như đẳng cấp nghề nghiệp, đẳng cấp kinh doanh, đẳng cấp thuyết trình... Tuy nhiên, ngày càng nhiều người lầm tưởng rằng khi dùng điện thoại xịn, xài những bộ cánh trị giá nhiều triệu đồng, đi xe sang mới bạc tỷ là một sự khẳng định “đẳng cấp” của bản thân.
Kinh tế buồn vẫn xài hàng hiệu
Mặc dù tình hình kinh tế những năm gần đây, đặc biệt là 2013, được đánh giá là vô cùng khó khăn, nhưng chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ của người Việt vẫn tăng đều đặn. Theo khảo sát của Hãng nghiên cứu thị trường Niesel trên toàn cầu, Việt Nam thuộc nhóm những nước thích mua hàng hiệu nhất thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Chị Hải Yến (35 tuổi), là nhân viên của một tập đoàn xây dựng lớn tại Hà Nội đã có thâm niên sử dụng hàng hiệu. Từ khi chưa lấy chồng, chị đã bắt đầu mua sắm những món đồ có giá cả chục triệu đồng, đến nay số hàng hiệu mà chị đã sưu tập được lên tới cả tỷ đồng sau mười mấy năm đi làm. Chồng chị Yến là một lãnh đạo của doanh nghiệp làm ăn lớn nên chị luôn rủng rỉnh tiêu xài. Tuy nhiên, từ ngày kinh tế khó khăn, chồng chị tỏ thái độ không vui mỗi khi thấy vợ rước về chiếc túi xách có giá lên tới vài chục triệu đồng. Biết vậy nhưng chị vẫn không thể dừng lại được vì “bây giờ có mẫu mới ra, nếu mình không mua thì hội cơ quan lại xì xào rằng kinh tế gia đình mình chắc hẳn đang đi xuống”.
Có thể thấy, hàng hiệu là thứ mà chủ nhân đầu tư cho ngoại hình của bản thân, cũng là đầu tư cho mức độ nhận diện bản thân trong mắt người khác. Đồ hiệu càng đắt tiền, trên người càng nhiều hàng hiệu, người dùng càng cảm nhận mình quan trọng, sang trọng và sành điệu.
Không chỉ dừng lại ở những bộ cánh hàng hiệu, thói quen xài sang của người Việt còn đang dần chuyển sang các loại điện thoại cao cấp và ô tô.
Quan sát thị trường điện thoại tại Việt Nam có thể dễ dàng nhận thấy, các mẫu máy dù mới ra mắt trên thế giới nhưng đã ngay lập tức xuất hiện tại Việt Nam. Bên cạnh dòng iPhone đã trở nên phổ biến, có thể kể đến Vertu, Mobiado hay Tag Heuer... với những sản phẩm rẻ nhất cũng có giá 2.000 USD, còn cao thì có thể lên tới hàng triệu USD. Việc những tên tuổi này thiết lập hệ thống cửa hàng đại diện tại Việt Nam cho thấy, nhu cầu “chơi trội”của một bộ phận người Việt Nam là không nhỏ.
Một minh chứng nữa cho nhu cầu xài sang của người Việt là việc ngày càng có nhiều hãng xe sang mạnh dạn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Trong tháng 6 vừa qua, hãng ô tô siêu sang Rolls-Royce đã mở đại lý chính thức tại Hà Nội và dự kiến tới tháng 8/2013, hai thương hiệu siêu xe Lamborghini và Bentley sẽ khai trương đại lý đầu tiên tại Hà Nội, tiếp tục làm tăng cơ hội cho dòng tiền đổ vào các mặt hàng xa xỉ tại Việt Nam.
Bi hài chuyện nợ tiền mua hàng hiệu
Nhiều chị em phụ nữ sẵn sàng nhịn ăn, nhịn uống, hạn chế các nhu cầu để thửa những món hàng hiệu đắt tiền. Thậm chí, có những cô gái trẻ vì sĩ diện với bạn bè mà phải đi vay nợ để mua hàng hiệu với hy vọng nâng cao "đẳng cấp" của mình. Hoàng Anh là một cô gái như vậy.
Lên Hà Nội học đại học, chỉ sau hai năm, Hoàng Anh đã thay đổi từ một cô bé Lọ Lem thành một tiểu thư sành điệu với hàng hiệu phủ từ đầu đến chân. Lý do khiến cô sinh viên “lột xác” về hình thức như vậy là mong kiếm tìm "Hoàng tử" nơi Hà thành.
Nhưng ít ai biết rằng Hoàng Anh luôn “ngồi trên đống lửa” vì bị thúc nợ bởi số tiền vay để mua hàng hiệu, iPhone, iPad, túi xách và mỹ phẩm đắt tiền. Hoàng Anh tìm đủ mọi lý do “moi” tiền bố mẹ ở quê để vá víu trả nợ.
"Chạy theo" hàng hiệu trở thành thảm kịch với một số gia đình khi các bà vợ “phát cuồng” vì quần áo, giày dép, phụ kiện có tên thương hiệu lớn bất chấp thực tế rằng các ông chồng phải oằn lưng với gánh nặng tài chính. Anh Quang Tuấn, Giám đốc một công ty chứng khoán tư nhân, than thở: “Bản thân tôi không phải là người thích khoe mẽ hay keo kiệt nhưng tôi không thấy hạnh phúc với một người vợ coi quần áo quan trọng hơn đời sống tinh thần, tình cảm của chồng”.
Trên nhiều mặt báo, suốt một thời gian dài tới gần đây thường nhan nhản các loại tin như: "Khi người đẹp… đụng hàng", "Hai sao mặc váy cùng nhãn hiệu", "Người đẹp mặc váy nhái", "Kiều nữ khoe túi nghìn đô…" Những tin tức ấy đã " đầu độc" người đọc, nhất là giới trẻ, lầm tưởng rằng, hàng hiệu chính là thứ để người ta nhận diện người sử dụng chúng.
Chính vì lối suy nghĩ vị kỷ ấy mà nhiều thanh niên Hà Nội không ngần ngại bỏ ra vài ba trăm ngàn/ngày, thậm chí chấp nhận vay nợ, để được khoác trên mình những bộ cánh hàng hiệu sang trọng, hoặc là một chiếc xe tay ga đắt tiền như SH, Dylan hoặc ô tô tự lái để thể hiện đẳng cấp với bạn bè những mong nhận được sự thán phục từ những người xung quanh.
Có cung thì có cầu, hiện nay, tại Hà Nội, tất tật từ đồ hiệu thời trang đến điện thoại xịn, xe tay ga, ô tô đều có thể thuê được. Chỉ cần bỏ ra từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/ngày là khách hàng đã được sử dụng những thương hiệu hàng đầu như Louis Vuitton, Gucci, Burberry, Chanel... Nhiều cô gái phải chờ cả tháng mới thuê được món đồ ưng ý để trở nên “sang trọng” trong vài ngày.
Việc sử dụng hàng hiệu có thực sự khẳng định "đẳng cấp" của một con người hay không vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng rõ ràng thói quen tiêu dùng hàng hiệu không hợp lý đã và đang trở thành một vấn đề xã hội. Trong những bài viết tiếp theo, Báo Điện tử Chính phủ sẽ chuyển đến bạn đọc những ý kiến với góc nhìn đa chiều của những "tín đồ" hàng hiệu, các chuyên gia tâm lý, xã hội cũng như phản hồi của độc giả… về hiện tượng này.
* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi
Theo Liên Phương
Chinhphu.vn