Hai tuyến đường đội vốn “khủng”?

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu, trong số 22 dự án thì các dự án thuộc lĩnh vực giao thông được phát hiện có nhiều thiếu sót như: không xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; lập, thẩm tra, trình duyệt dự án “siêu tốc”; tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng khi chưa có bản vẽ thi công và dự toán.

Trong giai đoạn 2012 – 2017, Hải Phòng có Dự án cải tạo 2,2km đường 356, đoạn từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ, quận Hải An (do Sở GTVT Hải Phòng thực hiện) vốn đầu tư ban đầu khoảng 314,9 tỷ đồng, tuy nhiên sau khi hoàn thành, dự án bị đội lên 1.310,9 tỷ đồng.

Ngay sau khi nhận được kết luận thanh tra, UBND TP. Hải Phòng đã yêu cầu các đơn vị có tên trong kết luận báo cáo giải trình. UBND TP. Hải Phòng tập hợp báo cáo của các đơn vị để có ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ. 

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Sở GTVT Hải Phòng cho biết: Từ năm 2010, Sở được phê duyệt làm chủ đầu tư dự án cải tạo nâng cấp 2,2 km đường 356 từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ (quận Hải An) với tổng kinh phí là 314,9 tỷ đồng.

Tới năm 2012, UBND TP. Hải Phòng có quyết định điều chỉnh dự án vì tại thời điểm đó, khu vực ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ là một điểm đen giao thông. 

Và đến năm 2013, UBND TP. Hải Phòng quyết định đầu tư xây dựng nút giao khác mức tại ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ (gồm 2 hạng mục là cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm và đường dẫn dưới chân cầu) với nguồn vốn 953 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư dự án lên 1.310,9 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Dự án xây dựng Cầu Hàn - một trong số các dự án bị cho là đội vốn tiền tỷ. 

Theo Ban quản lý dự án Giao thông đường thủy, đường bộ Hải Phòng (đại diện chủ đầu tư dự án) thì tới khi hoàn thành, dự án có mức kinh phí là 890,6 tỷ đồng, vẫn còn chi phí dự phòng không sử dụng đến là 232 tỷ đồng.

Ban quản lý dự án Giao thông đường thủy, đường bộ Hải Phòng cho rằng, không có chuyện dự án cải tạo nâng cấp đường 356 đội vốn nghìn tỷ mà là điều chỉnh đầu tư thêm 1 nút giao khác mức nằm trong dự án.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, Dự án đầu tư xây dựng đường bao phía Đông Nam quận Hải An (Dự án) cũng là dự án đội vốn nghìn tỷ của Hải Phòng.

Theo kết luận, vào năm 2009, UBND TP. Hải Phòng có quyết định phê duyệt Dự án, đoạn từ khu vực chân cầu Rào đến vị trí giao với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, có quy mô: tuyến đê dài 7.562,3; tuyến đường dưới chân đê dài 7.161,9m; chủ đầu tư là UBND quận Hải An; loại công trình đê, đường cấp II. Thời gian thực hiện từ năm 2008 - 2012.

Vào thời điểm trên, Dự án này có tổng mức đầu tư là 886,496 tỷ đồng (chi phí xây dựng 562,753 tỷ). Trong đó, vốn trung ương hỗ trợ 400 tỷ đồng, ngân sách TP. Hải Phòng 200 tỷ đồng và thu đấu giá quyền sử dụng đất quận Hải An là 286,496 tỷ đồng.

Đến năm 2012, UBND TP. Hải Phòng đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án trên. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh của Dự án này là 2.066,540 tỷ đồng, tăng bổ sung 1.180,044 tỷ đồng, chi phí xây dựng 1.530,840 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2008 - 2015.

Giải trình có thuyết phục?

Đối với các dự án cầu Khuể, cầu Đăng, cầu Hàn…, vốn đã có sự điều chỉnh tăng so với ban đầu từ vài trăm tỷ đồng đến hơn 2.000 tỷ đồng.

Ở dự án cầu Khuể, Ban quản lý các dự án cầu Hải Phòng giải trình: năm 2007, UBND TP. Hải Phòng phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Khuể với quy mô gồm: cầu Khuể và đường dốc 2 đầu cầu. Cử tri 2 huyện An Lão và Tiên Lãng có kiến nghị cải tạo nâng cấp tuyến đường 354 để đồng bộ với cầu. UBND TP.Hải Phòng đã quyết định phê duyệt bổ sung công trình cải tạo, nâng cấp 6,5 km đường dẫn theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng. Hạng mục nâng cấp đường này khiến dự án điều chỉnh tăng từ 236,46 tỷ đồng lên 479 tỷ đồng. Như vậy, thực chất của việc “đội vốn” này là làm thêm hạng mục cải tạo, nâng cấp 6,5 km đường dẫn.

leftcenterrightdel
Cầu Khuể (Hải Phòng).

Liên quan đến việc Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý chủ trương xây dựng cầu Khuể, đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), nhưng UBND TP. Hải Phòng có văn bản đồng ý cho thực hiện dự án với hình thức đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhưng không báo cáo, xin chủ trương của Thủ tướng về việc thay đổi hình thức đầu tư, UBND TP. Hải Phòng giải trình: Ngày 23/9/2002, thành phố có Văn bản số 4441/CV-UB báo cáo Thủ tướng cho phép được thực hiện theo hình thức BT. Theo đó, nguồn trả một phần bằng nguồn ngân sách cân đối hằng năm của thành phố, một phần bằng quỹ đất, một phần bằng nguồn thu phí, một phần xin ngân sách trung ương hỗ trợ. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng có Văn bản số 98/CP-CN-ngày 23/1/2003 đồng ý về nguyên tắc chủ trương đầu tư dự án theo hình thức BT và sử dụng quỹ đất để tạo một phần vốn đầu tư. Thủ tướng cũng chỉ đạo thành phố quyết định đầu tư theo thẩm quyền, quyết định và chịu trách nhiệm về việc chỉ định đơn vị thực hiện đầu tư BT (không phải qua thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

UBND TP. Hải Phòng cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản nêu rõ dự án cầu Khuể ở nhóm B, thuộc quyền quyết định của Chủ tịch UBND thành phố theo Nghị định 52/CP và Nghị định 12/CP của Chính phủ. Năm 2005, UBND thành phố quyết định đầu tư dự án này thuộc nhóm B, sử dụng vốn ngân sách thành phố là đúng thẩm quyền theo các quy định hiện hành, đúng chỉ đạo của Thủ tướng cũng như hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Do đó, Hải Phòng không cần phải báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.

Đối với 2 dự án là cầu Hàn và cầu Đăng, kết luận của Thanh tra Chính phủ  nêu: “Dự án cầu Hàn và cầu Đăng thực hiện theo yêu cầu cấp bách, lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị đầu tư tính từ ngày 24/4 đến ngày 28/4/2017 phê duyệt dự án đầu tư, có 4 ngày hoàn thành công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự án là không bảo đảm thời gian và yêu cầu chất lượng của việc lập, thẩm tra, thẩm định phê duyệt”.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ban quản lý các dự án cầu Hải Phòng cho rằng, việc nghiên cứu và lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đã được bắt đầu từ năm 2016. Liên quan đến việc Thanh tra Chính phủ cho rằng 2 dự án đầu tư xây dựng cầu Hàn, cầu Đăng bị “đội vốn” lên nhiều tỷ đồng và đề nghị giảm trừ khi phê duyệt tổng dự toán là 7,6 tỷ đồng đối với dự án cầu Hàn; 8,3 tỷ đồng đối với dự án cầu Đăng, Ban quản lý các dự án cầu Hải Phòng khẳng định đây là dự toán cho các hạng mục yếu tố trượt giá, chi phí phụ cấp lương công nhân làm ca đêm...

Dù vậy, TP. Hải Phòng tôn trọng kết luận của Thanh tra Chính phủ nên đã phê duyệt dự toán xây dựng công trình cầu Hàn và cầu Đăng (tháng 12/2017) không bao gồm những khoản chi phí nêu trên. 

Hoàng Hưng