Giàu mới ăn được rau hữu cơ
Cập nhật lúc 13:09, Thứ năm, 26/09/2013 (GMT+7)
Nếu như hơn một năm về trước, cửa hàng Organik nằm trên đường Thảo Điền, Q.2, TP.HCM còn khá mới mẻ đối với nhiều khách hàng, thì nay đã thành địa chỉ khá quen thuộc, bất chấp giá bán các sản phẩm cao ngất: rau xà lách 147.500đ/kg, thì là 126.000đ/kg, húng, bạc hà 117.000đ/kg, cải mâm xôi 157.000đ/kg, cải xanh 84.000đ/kg, đậu bắp, đậu cove 52.000đ/kg, cà chua 59.000đ/kg, bắp cải 49.000đ/kg… Hầu hết các sản phẩm có nguồn gốc từ Đà Lạt. (rau hữu cơ, rau an toàn, tắm hóa chất)
Nếu như hơn một năm về trước, cửa hàng Organik nằm trên đường Thảo Điền, Q.2, TP.HCM còn khá mới mẻ đối với nhiều khách hàng, thì nay đã thành địa chỉ khá quen thuộc, bất chấp giá bán các sản phẩm cao ngất: rau xà lách 147.500đ/kg, thì là 126.000đ/kg, húng, bạc hà 117.000đ/kg, cải mâm xôi 157.000đ/kg, cải xanh 84.000đ/kg, đậu bắp, đậu cove 52.000đ/kg, cà chua 59.000đ/kg, bắp cải 49.000đ/kg… Hầu hết các sản phẩm có nguồn gốc từ Đà Lạt.
Hầu hết các đơn vị kinh doanh thực phẩm hữu cơ đều thừa nhận mẫu mã sản phẩm không được đẹp mắt, nhưng bù lại có thể bảo quản được lâu hơn, khi bị héo ngâm trong nước có thể tươi lại. Đồng thời, sản phẩm có nhiều vitamin hơn, giữ được lâu hơn, được sơ chế bằng nước sạch (nước đã được khử kim loại, clo…).
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Giám đốc Công ty Organik có trụ sở tại TP. Đà Lạt, sở dĩ các sản phẩm hữu cơ bán ra thị trường giá quá cao vì được canh tác hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng các chất hóa học. Quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ khá nghiêm ngặt; loại đất trồng phải là đất sạch, giống cây phải có nguồn gốc và được kiểm nghiệm; việc phòng trừ sâu bệnh cho các loại rau dựa theo các cơ chế sinh học của cây. Chẳng hạn như để ngăn ngừa loại sâu vẽ bùa ăn lá, người trồng sẽ dựa trên tập tính của loài này là ưa thích màu xanh và kỵ các màu đậm như đỏ vàng và sẽ trồng xen kẽ các loại rau có màu xanh với những loại rau có lá màu đỏ, vàng hoặc tím để ngăn sâu. Hay với những loài bọ cánh cứng chỉ có khả năng xâm nhập rau ở độ cao 50cm (tính từ mặt đất), người trồng sẽ sử dụng giàn cao trên 70cm để chống bọ... Sản phẩm khi ra thị trường được đóng gói, dán nhãn ghi rõ nguồn gốc từ hạt giống, số luống trồng, quá trình sinh trưởng, thu hoạch… Ông Võ Mai Hảo, Phó giám đốc Công ty TNHH Nico Nico Yasai (Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) cho biết, nếu thời tiết không thuận, tỷ lệ hao hụt khi thu hoạch có thể lên đến 70 - 80%.
Tuy nhiên, theo chị Phạm Phương Thảo, chủ cửa hàng Organica, 130 Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, điểm khác biệt rất rõ giữa các sản phẩm hữu cơ trong nước và nhập khẩu là sản phẩm nước ngoài có đầy đủ chứng nhận là sản phẩm hữu cơ, trong khi nguồn cung trong nước rất khó để có được chứng nhận này. Nhiều đầu mối cung cấp hàng mà cửa hàng chị tiếp cận đều giới thiệu là sản phẩm hữu cơ, nhưng khi hỏi đến chứng nhận đều… đang chờ. Vì thế, để có được nguồn cung đảm bảo chị phải lặn lội sang tận Lào để xem quy trình sản xuất, yêu cầu đối tác cung cấp chứng nhận (hoặc của Bộ Nông nghiệp Lào, hoặc của tổ chức quốc tế). “Riêng về rau, củ quả trong nước chỉ có thể bán sản phẩm kèm theo thông tin giới thiệu về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ chứ không có mấy đơn vị có được loại chứng nhận này”, chị Thảo cho biết.
Theo Phụ nữ TPHCM
.