Các dịch vụ thức ăn đường phố xuất hiện ngày càng nhiều do đáp ứng được nhu cầu ăn nhanh, tiết kiệm thời gian, thức ăn đa dạng, phong phú và giá lại rẻ. Tuy nhiên, thức ăn đường phố tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ô nhiễm dẫn đến ngộ độc thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.


Phần lớn các dịch vụ thức ăn đường phố thiếu nước sạch sử dụng, người làm dịch vụ thức ăn đường phố không được tập huấn những kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm, không được khám sức khoẻ định kỳ. Bác sĩ Trần Bé Ngoan, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau, cho biết, thức ăn đường phố buôn bán ở những nơi không bảo đảm vệ sinh, thiếu nước sạch sử dụng. Bên cạnh đó, các dịch vụ này bảo quản thực phẩm không đúng cách, không được bảo quản trong tủ kính để bụi và các côn trùng đậu vào nên nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm là rất cao.

Hưởng ứng Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau tổ chức lễ phát động với chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố” nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân tuân thủ pháp luật về an toàn thưc phẩm. Từ đó, nhân rộng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm thức ăn đường phố trên toàn tỉnh.

Bác sĩ Đỗ Thanh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cái Nước, cho biết, huyện tổ chức mít-tinh, tuyên truyền sâu rộng trong các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất và người lao động hiểu biết thêm về kiến thức cơ bản của thức ăn đường phố. Qua đó, để người dân biết lựa chọn thức ăn cho phù hợp và người chế biến biết được trách nhiệm của mình.

Huyện đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra các dịch vụ thức ăn đường phố, kiểm tra dụng cụ chứa đựng và bảo quản thực phẩm, test nhanh một số chỉ tiêu: hàn the, formol và chất tẩy trắng. Kiểm tra nguồn nước phục vụ cho chế biến thực phẩm, đồng thời buộc cơ sở ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cần giải pháp đồng bộ

Bác sĩ Trần Bé Ngoan cho biết thêm: “Nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương nên hiện nay các dịch vụ thức ăn đường phố có nhiều tiến bộ. Đồng thời, chúng tôi cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền vận động để tất cả những người tham gia dịch vụ thức ăn đường phố có những kiến thức cơ bản trong quá trình hoạt động, từ đó nâng cao kiến thức của mình trước sản phẩm mình làm ra để phục vụ người tiêu dùng ngày càng tốt hơn”.

Để phát huy tiện ích của thức ăn đường phố và hạn chế thấp nhất tình trạng mất vệ sinh, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua đường thực phẩm, cần phải có những giải pháp đồng bộ. Ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục, ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý triệt để các trường hợp không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng hãy là người “tiêu dùng thông thái”, biết lựa chọn cho mình những thức ăn phù hợp để bảo đảm sức khoẻ.
 

Theo Báo Cà Mau

.