Trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 4/7, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam cho hay, chu kỳ điều hành rơi vào ngày mai, cơ quan quản lý có thể sẽ cho phép giảm nhẹ hoặc giữ nguyên giá xăng dầu.
“Nếu giữ nguyên mức xả quỹ bình ổn như hiện tại và giữ nguyên các chính sách thuế phí thì giá bán lẻ xăng dầu có thể giảm nhẹ 100-200 đồng/lít”, vị này cho biết.
Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối cũng cho rằng, do quỹ bình ổn sắp cạn nên khả năng giảm là không nhiều. Theo đó, vị này dự đoán giá xăng dầu có thể giữ nguyên.
Trong lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 20/6, sau khi trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng RON 92 giảm 341 đồng/lít xuống mức tối đa 16.168 đồng/lít. Giá xăng sinh học (E5) cũng giảm 336 đồng/lít xuống mức tối đa 15.647 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu được phép tăng từ 350 - 390 đồng/lít,kg, tuỳ loại. Trong đó, dầu diesel tăng 390 đồng/lít lên mức tối đa 12.298 đồng/lít và dầu hoả tăng 370 lên mức 10.667 đồng/lít, dầu ma dút tăng 350 đồng/kg lên 8.741 đồng/kg.
Kể từ sau kỳ điều hành trước, giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, có xu hướng giảm xuống. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tính tới ngày 1/7, giá xăng RON92 nhập khẩu còn 53,41 USD/thùng, giảm hơn 3 USD/thùng so với hôm 20/6.
Tuy nhiên, trong kỳ, có thời điểm giá nhập khẩu tăng lên tới 57-58 USD/thùng. Đây cũng là lý do khiến giá xăng dầu không có cơ hội giảm nhiều.
Ngoài phụ thuộc vào giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu, điều hành giá xăng dầu bán lẻ kỳ này có thể sẽ còn phụ thuộc cả vào mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng cho quý III. Trước đó, kể từ kỳ điều hành quý II bắt đầu từ ngày 5/4, thuế nhập khẩu đang áp dụng để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng; 2,32% đối với diesel và 0% đối với dầu hoả và dầu mazut.
Liên quan đến phương pháp tính thuế bình quân gia quyền, mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tiếp tục có công văn cho rằng phương pháp này “bộc lộc những bất cập lớn hơn”.
Theo đó, VINPA khẳng định, cách áp thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở không đúng với Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. VINPA cũng cho rằng, khi Bộ Tài chính áp thuế bình quân gia quyền 18,35% đối với xăng và 2,32% đối với dầu diesel thì mức chênh lệch thuế nhập khẩu vẫn còn lớn, làm cho giá cơ sở ở mức cao. Theo đó, giá bán lẻ cũng ở mức cao, không có lợi cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cách áp thuế nhập khẩu bình quân gia quyền cũng được đánh giá là không phản ánh đầy đủ diễn biến giữa giá thế giới và giá trong nước, cụ thể trong kỳ điều hành đầu tiên của quý II/2016 áp dụng mức thuế bình quân gia quyền, giá dầu diesel trong nước đã diễn biến ngược lại với giá thế giới. Tại thời điểm đó, giá diesel thế giới giảm 0,4% thì diesel trong nước phải tăng sử dụng quỹ bình ổn từ 938 đồng lên 1.017 đồng/lít mới giữ nguyên được giá bán lẻ.
“Tính công khai, minh bạch của cách áp thuế nhập khẩu bình quân gia quyền không thuyết phục được người tiêu dùng, giới chuyên gia, các phương tiện truyền thông và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Dư luận cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn dùng những biện pháp hành chính để can thiệp vào thị trường xăng dầu trong nước trong khi Nghị định 83, Thông tư 39 đã quy định và hướng dẫn cụ thể”, văn bản của VINPA nêu rõ.
Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Xăng dầu cũng có văn bản kiến nghị tương tự. Tuy nhiên, trong một văn bản phản hồi đưa ra vào đầu tháng 6 này, Bộ Tài chính tiếp tục khẳng định, trong giai đoạn này, thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở được tính theo mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền là hợp lý nhất, giải quyết được hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo Dân trí