Giá sữa cho trẻ em sau ngày đầu tiên doanh nghiệp (DN) phải giảm giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 0,4 – 4% theo quy định mới chỉ giảm nhỏ giọt.
 
 
Giá sữa giảm nhỏ giọt
 
Ngày 22/4, sau ngày đầu tiên các doanh nghiệp (DN) phải giảm giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 0,4 – 4% theo quy định mới. Tuy nhiên, trên thị trường, giá bán lẻ một số loại sữa trẻ em tại các cửa hàng giảm rất nhỏ giọt, chỉ xoay quanh mức 1%.
 
Thông tin trên báo Thanh Niên, tại một số cửa hàng sữa trên phố Tây Sơn, Chùa Bộc, Đội Cấn (Hà Nội), bước đầu ghi nhận cho thấy các DN đã thực hiện việc giảm giá sữa, nhưng mức giảm khá thấp.
 
Cụ thể, đối với sản phẩm của Công ty TNHH Mead Jonhson Nutrition Việt Nam: sữa Enfamil A+1 3600 Brain Plus loại 400 gram mức giá mới khoảng 223.343 đồng/hộp giảm 1% so với mức cũ. Tương tự, loại 900 gram giảm gần 1%. Đối với Enfamil A+2 3600 Brain Plus loại 400 và 900 gram mức giảm gần 0,99%.
 
Các sản phẩm sữa của Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A có mức giảm mạnh hơn, nhưng cũng không được như kỳ vọng. Cụ thể, Similac GainPlus IQ (với Intelli-Pro) loại 900 gram giá mới 397.000 đồng/hộp giảm 1,97%. Similac GainPlus IQ (với Intelli-Pro) loại 1,7 kg giảm 0,7%.
 
Đối với Nestle Việt Nam, mức giảm dao động từ 0,8% – 1,1% cho NAN Gro 3 LEB047 Tin 12x900g VN và S-26 PROGRESS GOLD. Trên thị trường ghi nhận sản phẩm của Công ty TNHH FriesLand Campina Việt Nam có mức giảm lớn nhất nhưng cũng chưa đến 4%. Cụ thể, DutchLady 123GOLD (12x900g) loại 900 gram giá 221.550 đồng/hộp giảm hơn 3%, trong khi các loại sữa dành cho trẻ em dưới 2 tháng tuổi mức giảm cũng không đáng kể như Dutch Lady Tò Mò Gold1-2 (12x900G) giá 257.958 đồng/hộp giảm 1,57%, DutchLady Tò Mò Gold1-2 (6x1500G) giá 398.083 đồng/hộp giảm 2%.
 
Chị Nguyễn Thu Vân, chủ một cửa hàng trên phố Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, đã được thông báo các hãng sữa sẽ giảm giá bán buôn từ ngày 22/4. Chúng tôi cũng giảm giá bán lẻ theo các mức tương ứng, tuy nhiên mức giảm đợt này không đáng kể, chỉ dao động quanh mức 1%.
 
Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với cơ quan này là việc kiểm soát yếu tố hình thành giá để xác định các mức tăng, giảm giá của DN có phù hợp không. Thực tế trên thị trường cho thấy, người tiêu dùng vẫn quen gọi các mặt hàng này là sữa cho trẻ dưới 6 tuổi nhưng nếu gọi theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì không còn sản phẩm sữa mà chỉ có sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Trong khi đó, Tổng cục Hải quan vẫn phân loại theo tiêu chuẩn HS (tiêu chuẩn hải quan thế giới), vẫn có cả mã số áp cho sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng.
 
Không chuẩn hóa được tên gọi sản phẩm nên, theo ông Tuấn, bộ cứ vừa áp trần giá bán buôn sản phẩm này, buộc kê khai giá sản phẩm kia thì ngay lập tức, vài ngày sau trên thị trường lại đẻ ra một loạt các sản phẩm mới hoàn toàn không có tên trong danh mục sản phẩm bình ổn giá.
 
“Sữa có quá nhiều thành phần, chỉ cần tăng giảm một chút là lại cho ra sản phẩm mới nên cơ quan quản lý khó để đưa vào danh mục bình ổn giá”, ông Tuấn nói và đề nghị Bộ Y tế cần phải có quy định làm rõ tên gọi, thành phần từng loại sản phẩm cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đặc biệt, phải có hướng dẫn và tư vấn từng loại cho người tiêu dùng. Như vậy, mới khắc phục được tình trạng loạn sản phẩm, loạn giá sữa như hiện nay.
 
Theo Pháp luật & đời sống
.