(BVPL) - Dịp cận và sau Tết Nguyên đán 2015 vừa qua, giá xăng giảm mạnh khiến nhiều dịch vụ, hàng hóa thiết yếu giảm giá, từ gas, vật liệu xây dựng cho tới nhà đất, gạo. Dịp này, do nhu cầu người dùng tăng cao, một số mặt hàng thực phẩm có tăng nhẹ như: thịt bò, heo, gà, trứng gia cầm… (đại đa số tăng từ 0.6-1.6%). Tuy nhiên, giá mì gói lại tăng, có nhãn hàng tăng tới 15%.
 
Tuy nhiên, khi có sản phẩm bỗng nhiên tăng giá, cũng chính là thời cơ cho các nhãn hiệu khác “chộp lấy”, nhất là các DN Việt vốn đang chiếm thị phần đáng kể thị trường mì gói nội địa.
 
DN Việt luôn có cơ hội lớn
 
Năm 2014, Hiệp hội mì ăn liền thế giới đánh giá thị trường mì gói (mì ăn liền) Việt Nam thuộc diện có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thêm nữa, tổng sản lượng mì trong nước vào khoảng 7 tỉ gói/năm, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản. Có người cho rằng, tỉ lệ người ăn mì gói thường xuyên, lượng mì tiêu thụ trên người tại Việt Nam chắc phải đứng đầu thế giới. Một con số khiến không ít người ngỡ ngàng: Doanh thu của các DN mì gói lên tới 20.000 tỉ đồng/năm.
 
 
Tuy nhiên, một thực tế kém vui là DN Việt đang không dẫn đầu thị trường mì gói Việt, dù Masan hay Asia Foods cũng có được những vị trí cao nhất định. Theo các thống kê, Masan Consumer chiếm 16,5% thị phần. Asia Food chiếm thị phần 12,1%. 
 
Hai DN Việt kể trên bị lép vế trước Vina Acecook, một đơn vị nước ngoài liên doanh với Vifon, nhưng nay đã 100% của Nhật Bản dẫn đầu thị trường mì gói, với thị phần lên tới 51,5%. 
 
Ngoài thị trường, Vina Acecook đang trấn giữ phân khúc bình dân nhờ nhãn hiệu Hảo Hảo (một cái tên có vẻ không thuần Nhật). Masan cũng có nhiều loại sản phẩm, nhưng mạnh ở phân khúc mì trung và cao cấp với hai nhãn hiệu Omachi và Kokomi. Asia Foods nổi tiếng với các mặt hàng mì gói, cháo ăn liền và phở ăn liền Gấu Đỏ. Doanh nghiệp này cũng đang có chỗ đứng ở phân khúc cao cấp với nhãn hiệu mì Hello.
 
Tuy nhiên, theo một khảo sát online của Cty nghiên cứu thị trường Epinion vào tháng 7/2014 về thói quen sử dụng mì gói của người tiêu dùng (tổng số mẫu 1.131 người) cho thấy: Trong một tháng qua mỗi người tiêu dùng dùng 3 nhãn hiệu mì khác nhau. 
 
Điều này cho thấy, sự trung thành của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu chỉ ở mức vừa phải. Có nghĩa các doanh nghiệp nhỏ hơn nhưng làm ăn bài bản, có được niềm tin với người dùng luôn có cơ hội tăng thị phân, chiếm lĩnh thị trường, nhất là các doanh nghiệp Việt có lợi nhờ các cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” diễn ra rộng khắp.
 
Và dịp cận Tết Nguyên đán 2015 vừa qua, có một đợt tăng giá bất ngờ của mì gói.
 
Khi người tiêu dùng ngày càng “thông minh”
 
Trước đây, sự phản kháng của người dùng Việt trước vấn đề giá cả là không lớn. Tuy nhiên mọi chuyện đã thay đổi, bắt đầu với chuyện giá xăng dầu, giá cước vận tải cuối năm 2014, đầu năm 2015 này.
 
Xăng giảm, sức mua chưa được cải thiện khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hai tháng 1, tháng 2/2015 giảm lần lượt 0.2% và 0.05%, dù là thời điểm trước và sau Tết nguyên đán. Tuy nhiên, giá xăng giảm, cước vận tải giảm, giá một mặt hàng thiết yếu là mì gói lại giữ, thậm chí còn tăng.
 
Thời điểm trước Tết Nguyên đán 2015, theo khảo sát của chúng tôi, mặt hàng mì tăng giá nhiều nhất trong dịp cận Tết là mì Hảo Hảo của Công ty Vina Acecook. Tại các đại lý và siêu thị cho thấy, giá mì Hảo Hảo tăng 7.000 đồng - 10.000 đồng/thùng, từ 95.000 đồng tăng lên 105.000 đồng/thùng. Giá lẻ tăng 500 đồng/gói, là gần 15%. Các loại mì khác như: Omachi, Gấu Đỏ, 3 Miền… đều giữ giá cũ.
 
Tạp hóa Nguyễn Văn Nguyên, Q1, TPHCM
 
Cũng thời điểm này, thị trường nổi lên nhãn hiệu “Omachi giá giảm nhiệt” của Masan và Hảo hạng của Asia Foods với giá rất cạnh tranh. 
 
Đến nay, giá mì vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
 
Đầu tháng 3/2015, tại các siêu thị lớn, giá các mặt hàng mì gói tầm trung được ưa chuộng gồm: Hảo Hảo, Omachi và Gấu đỏ, giá bán lẻ có sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể, mì Hảo Hảo giao động từ 3.300 đồng - 3.600 đồng/gói (siêu thị Metro và Coopmart giá 3.600 đồng/gói, EAON Tân Phú giá 3.400 đồng/gói, BigC giá 3.300 đồng/gói); mì Omachi, Gấu đỏ thì giữ giá ở mức 3.500 đồng/gói và 3.100 đồng/gói (Coopmart bán Omachi 3.600 đồng/gói)… Theo một nhân viên siêu thị Coopmart, người dân vào siêu thị chỉ mua vài gói, sẽ ít chú ý tới giá tăng.
 
Tiếp đó, ở các cửa hàng tạp hóa, giá mì trồi sụt khó đoán.
 
Tại TP.HCM, các cửa hàng, đại lý bán giá không chệnh lệch nhiều so với siêu thị, khoảng 100.000 - 105.000 đồng/thùng. Tuy nhiên, khu vực quận 1, nhiều đại lý bán giá từ 105 - 110.000 đồng/thùng. Như một tiệm tạp hóa khá lớn ở đường Nguyễn Hữu Cầu đối diện chợ Tân Định bán mì Hảo Hảo giá 110.000 đồng/thùng.  
 
Quay lại chuyện của các DN vận tải. Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, giá cước vận tải chần chừ không giảm hoặc giảm nhỏ giọt đã khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ, báo chí phản ứng gay gắt. Thậm chí, Bộ trưởng Đinh La Thăng còn đề nghị nêu tên, tẩy chay các nhà xe không giảm cước, khiến các DN này được phen “bẽ mặt”…
 
Lần này mì gói tăng giá. Tưởng là thiệt hại nhỏ, mà không nhỏ.
 
Thử làm một phép tính: Nếu mì tăng khoảng 300 đồng/gói, mỗi năm người bán thu thêm từ người dùng 2.100 tỉ đồng (7 tỉ gói). Chỉ cần 40% sản phẩm tăng giá, số tiền vẫn ngót nghét 1.000 tỉ đồng - có thể nói là “đáng bao nhiêu” để khỏi cần quan tâm, phản ứng, hay tẩy chay?
 
Trung Kiên – Hoàng Anh