Sau hai ngày giá gas tăng kỷ lục với mức gần 80.000 đồng/bình 12kg, đẩy giá mỗi bình lên gần 500.000 đồng, hiện phía sử dụng gas đang tìm giải pháp để thích ứng, còn bên cung ứng gas lại lo ngại nguồn cầu giảm.

 

Tăng nỗi lo

Ngay sau khi đón nhận thông tin giá gas tăng thêm gần 80.000 đồng/bình 12kg, nhiều bà nội trợ cho biết họ bị sốc. Tuy nhiên, để ứng phó với việc tăng giá gas lần này không còn cách nào khác là phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng. “Gia đình tôi có 8 người, mỗi tháng sử dụng hết 2 bình gas, loại bình 12kg. Với thông báo mới đây của các công ty gas, mỗi tháng gia đình phải trả thêm hơn 150.000 đồng. Nói thật, từ đầu năm đến nay giá cả các mặt hàng như điện, nước, chợ búa… liên tục tăng giá, giờ lại đón nhận giá gas tăng quá cao khiến gia đình phải tính toán lại chi phí”, bà Nguyễn Thị Tâm, ngụ quận 12 cho biết.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Sanh, ngụ quận Tân Phú cho biết, gia đình có một tiệm bán cơm, mỗi tháng sử dụng 7 bình gas loại 12kg. Giá gas tăng, mỗi tháng, quán cơm của gia đình chị phải chi thêm hơn 600.000 đồng. Theo chị Nguyễn Thị Sanh, nếu mỗi phần cơm bán ra tăng giá sẽ rất khó bán, thậm chí mất khách. Do đó, giải pháp hiện nay để bù vào chi phí giá gas tăng, quán của chị phải tính toán điều chỉnh lại định mức mỗi khẩu phần ăn. Trong khi đó, nhiều chủ nhà hàng, khách sạn lẫn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng cho biết, sau khi giá gas tăng kỷ lục, đang phải rà soát lại toàn bộ chi phí.

Theo một đơn vị kinh doanh gas trên địa bàn TPHCM, ở những thời điểm trước, cứ mỗi lần giá gas tăng cao là doanh số bán ra của đơn vị này luôn bị sụt giảm. Có gia đình sử dụng trong vòng 2 tháng, đại lý phải giao 3 bình gas, nhưng khi gas tăng giá cao, họ chỉ sử dụng 1 bình. Thậm chí có nhiều quán ăn, nhà hàng và doanh nghiệp sử dụng gas giảm gần 50%. Bởi có nhiều người đã chuyển qua sử dụng một số loại chất đốt khác…

Đề xuất giảm thuế nhập khẩu

Ngày 2-12, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 11 của Bộ Công thương, trả lời câu hỏi liên quan đến việc giá gas tăng thêm gần 80.000 đồng/bình 12kg, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, để giá gas giảm, Bộ Công thương cùng quan điểm với Hiệp hội Gas Việt Nam là cần giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống còn 0%.

Theo phân tích của ông Nguyễn Xuân Chiến, Luật Giá quy định cơ quan chủ trì quản lý giá gas là Bộ Tài chính và Bộ Công thương là cơ quan phối hợp liên quan. Giá gas tăng do giá gas thế giới tăng thêm hơn 267 USD/tấn so với đầu tháng 10, trong khi mặt hàng gas trong nước chỉ sản xuất được gần 50%, còn lại là nhập khẩu. Vì vậy, để bình ổn giá gas, bên cạnh việc giảm thuế cần có biện pháp hạn chế lợi dụng giá gas theo thị trường để nâng giá tùy tiện. Đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh gas trên cơ sở việc kê khai giá, nếu sai phạm sẽ xử lý; Cục Quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra các cơ sở kinh doanh gas, nếu vi phạm xử lý nghiêm...

Trước những quan ngại về việc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) chiếm thị phần lớn và dẫn đến chi phối giá gas trong nước, ông Nguyễn Xuân Chiến cho rằng, dù PV Gas chiếm thị phần lớn nhưng nếu không lợi dụng vị trí thống lĩnh để thao túng giá thì cũng không vi phạm Luật Cạnh tranh. Giá gas do doanh nghiệp định giá nhưng cũng phải kê khai giá “chứ không phải doanh nghiệp muốn giá quyết giá nào cũng được” và Bộ Tài chính, Bộ Công thương cũng sẽ có biện pháp kiểm tra các yếu tố hình thành giá, giám sát việc tăng giá của doanh nghiệp.

 

Theo SGGP

.