So với thành phố đắt đỏ nhất thế giới như Singapore, cước taxi tại Hà Nội đang cao hơn 26,4-60% và ở TPHCM cao hơn 66,7-78,2%.
 


Người tiêu dùng đang chịu nhiều thiệt hại khi các doanh nghiệp không chịu giảm giá cước vận tải, mặc dù giá xăng dầu, một yếu tố cấu thành quan trọng trong giá cước vận tải (chiếm tới 25% - 35%) đã giảm 5 lần liên tiếp (khoảng 16,73%) trong ba tháng vừa qua.

Phát biểu tại Tọa đàm “Giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng” diễn ra ngày 8/9, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho biết: “Chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng đang phải chịu thiệt hại không nhỏ từ mức cước vận tải bất hợp lý và quá cao hiện nay”.

Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng giá cước taxi ở Việt Nam hiện nay đang cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực.

"Giá cước taxi trung bình ở Bangkok là 3.800 đồng/km (6 bath), ở Manila là 5.700 đồng/km (11,93 peso), ở Jakarta là 6.300 đồng/km (4.000 Rupiah) và thậm chí là ở Singapore cũng chỉ 8.700 đồng/km (0,55 S$). So với thành phố đắt đỏ nhất thế giới như Singapore, cước taxi tại Hà Nội đang cao hơn 26,4-60% và ở TPHCM cao hơn 66,7-78,2%”, ông Thoả thống kê.

Phân tích rõ hơn, ông Thoả cho biết, nếu so với mức giá trước ngày 4/7/2015 thì xăng đã giảm 16,3%, dầu diesel giảm 17,21%. Như vậy, khi xăng dầu giảm mà các yếu tố cấu thành giá khác (như khấu hao, tiền lương…) trong khoảng 2 tháng qua không có biến động tăng thì giá cước với xe chạy xăng có thể giảm tối đa 884 đồng/km.

“Cơ chế thị trường cho phép doanh nghiệp tự định giá theo các tín hiệu khách quan của thị trường; tức là phải có lên, có xuống khi các yếu tố hình thành giá thay đổi: tăng hoặc giảm; không “neo giá” hoặc cố định giá khi các yếu tố cấu thành giá đã thay đổi. Xăng dầu vừa qua giảm mà doanh nghiệp không giảm giá kịp thời, vừa không thực hiện đúng yêu cầu của cơ chế thị trường vừa không thực hiện đúng quy định của Luật Giá”, ông nhấn mạnh.

Bà Phạm Quế Anh, Giám đốc Tổ chức Tín thác và Đoàn kết vì người tiêu dùng khuyến nghị “Để thúc đẩy cạnh tranh, Việt Nam cần tạo ra một thị trường vận tải mở với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hay loại hình vận tải mới. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy liều thuốc "cạnh tranh" mới là giải pháp triệt để nhằm giảm giá cước vận tải.”

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia khẳng định “Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả của ngành vận tải là một xu hướng tất yếu và đang được Nhà nước hết sức khuyến khích phát triển. Tôi tin rằng, những phần mềm ứng dụng này sẽ giúp tăng hiệu quả trong điều hành và quản lý vận tải, giảm tỷ lệ xe rỗng chạy trên đường, qua đó, giảm được chi phí vận hành và cước phí cho người tiêu dùng”.
 

Theo Dân trí

.