Dừng triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bệnh COVID-19.

Bảo hiểm Corona (tên gói bảo hiểm với khách hàng nhiễm COVID-19) trở thành sản phẩm "hot" trên thị trường. Hàng loạt doanh nghiệp "ăn theo", thi nhau tung ra các gói bảo hiểm Corona với mức phí và quyền lợi cạnh tranh như Bảo hiểm Bảo Việt, Viễn Đông, Manulife, VBI, PVI, MIC, PTI, VNI, BSH…

Có doanh nghiệp còn phối hợp với hàng loạt ngân hàng để triển khai sản phẩm Anti-COVID. Hình thức mua bảo hiểm chủ yếu qua online. Có ngân hàng mua bảo hiểm COVID-19 cho tất cả cán bộ nhân viên.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên nhiều người đã mua bảo hiểm để phòng rủi ro.

Phí bảo hiểm Corona thường dao động 100.000 - 500.000 đồng/gói. Có gói phí lên đến 1 triệu đồng. Ngoài chi trả quyền lợi khoảng 100 triệu đồng/vụ cho người tử vong do nhiễm virus corona và trợ cấp 300.000 - 600.000 đồng mỗi ngày nằm viện, một số sản phẩm còn mở rộng phạm vi bảo hiểm cho người tử vong do tai nạn, bệnh tật.

Theo Chỉ thị số 16/CT-TTg vừa được ban hành hôm nay 31/3 "Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bệnh COVID-19.

leftcenterrightdel
 Nhiều công ty bảo hiểm tung gói sản phẩm bảo hiểm dịch bệnh COVID-19

Sau Chỉ thị này, chiều 31/3, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính Nguyễn Quang Huyền đã có công văn số 3786 yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ quán triệt trong hệ thống, đại lý về việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến COVID-19. Công văn có hiệu lực ngay tại thời điểm ký.

Ngay sau đó, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm bưu điện (PTI) - một trong những công ty bảo hiểm phối hợp với nhiều ngân hàng triển khai sản phẩm Anti COVID-19 - đã có văn bản thông báo về việc dừng triển khai sản phẩm này đến các đại lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Quyền lợi khách hàng đã mua bảo hiểm?

Nhiều người lo ngại về việc đã mua bảo hiểm Corona thì phải làm sao, có được bảo đảm quyền lợi hay không.

Theo thông tin từ các nghiệp bảo hiểm: Hợp đồng bảo hiểm Corona đã cấp vẫn có đầy đủ hiệu lực bảo hiểm đến khi hết hợp đồng.

Tại công văn của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm bưu điện (PTI), PTI cũng khẳng định với các khách hàng đã tham gia gói bảo hiểm trên, PTI cam kết vẫn sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm đã được quy định trong hợp đồng bảo hiểm.

Một số doanh nghiệp quy đổi sang hợp đồng bảo hiểm sức khỏe ngắn hạn, trong đó không loại trừ dịch bệnh.

Theo nhiều chuyên gia, về góc độ kỹ thuật, sản phẩm bảo hiểm Corona hầu như không thể nhượng tái ra nước ngoài. Các nước khác không triển khai bảo hiểm thương mại đảm bảo riêng cho dịch bệnh vì họ không thể tái bảo hiểm và không thể kiểm soát rủi ro. Trong sản phẩm chính của các công ty bảo hiểm nhân thọ có thể chi trả cho trường hợp tử vong do dịch bệnh (tùy điều khoản của từng công ty), nhưng tuyệt đối không chi trả cho sản phẩm bổ trợ.

Song song đó, các loại hình bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng loại trừ cho rủi ro dịch bệnh, vì Chính phủ sẽ là cơ quan gánh chịu các loại chi phí này cho công dân của mình.

Tuy nhiên, dù bảo hiểm Corona vẫn có một số lợi ích nhất định, việc sử dụng biến cố lớn để tìm kiếm lợi nhuận là không nên.

 

Ngọc Anh