Việc dùng giấy báo để bao gói thực phẩm là hành vi rất thường gặp, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là khả năng nhiễm chì cao.


 Theo bà Nguyễn Khánh Trâm - Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, ngày 28-11-2005, Bộ Y tế đã có Quyết định số 39/2005/QĐ-BYT quy định: Thiết bị, dụng cụ chế biến bao gói, bảo quản, vận chuyển thực phẩm phải được làm từ nguyên liệu không độc, không gây mùi vị lạ so với mùi vị của thực phẩm ban đầu, không hấp thụ, không thôi nhiễm vào thực phẩm, không bị ăn mòn, tránh bụi, côn trùng và các nguồn ô nhiễm khác.

Nghiêm cấm việc đóng gói thực phẩm bằng các bao gói có nguy cơ gây ngộ độc, gây hại, không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm như giấy báo, nhựa tái sinh... Hằng năm, Thanh tra Bộ Y tế vẫn tiến hành kiểm tra và xử phạt các cơ sở cá nhân vi phạm các quy định về sử dụng bao bì gây ô nhiễm thực phẩm trong quy định trên và Nghị định 45/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên vì lợi ích kinh tế, nhiều cơ sở, cá nhân vẫn cố tình vi phạm về phía người tiêu dùng vì không thấy hậu quả tức thời, nên nhiều người dù biết vẫn tặc lưỡi cho qua.

Nhìn chung, các vật dụng bao gói thực phẩm được sử dụng phổ biến hiện nay ngoài giấy báo còn có hộp xốp, túi ni lon... đều có thể gây nguy cơ nhiễm các loại kim loại nặng độc hại, nếu như các cơ sở sản xuất ra chúng không thực hiện đảm bảo chất lượng an toàn. Thực tế hiện nay, đáng tiếc người dân vẫn sử dụng phổ biến các loại bao gói thực phẩm trên vì giá cả rất rẻ.
 

Theo VietQ

.