Chưa khi nào người trồng dưa ở nhiều địa phương phải cắn răng bán với giá chỉ 1.000 đồng/kg như hiện nay.

 


Theo tìm hiểu, không chỉ Hải Dương mà ở Hưng Yên, Hòa Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và cả khu vực Nam Trung bộ, bà con đều đang phải bán dưa với giá rẻ thê thảm như thế. Trước đây, dưa trồng nhiều ở khu vực Nam Trung bộ, miền Tây nhưng gần đây khi giá bán cao, cho thu nhập khá thì hàng loạt địa phương ở miền Bắc cũng thi nhau trồng, không chỉ một vụ mà nhân ra cả ba vụ: xuân, hè thu và đông, trồng kiểu chuyên canh.

Diện tích nhân ra nhanh, đơn cử như ở Hải Dương, theo ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, thì từ 600 - 700ha đến nay ở đây đã phát triển tới 1.200ha (riêng vụ xuân 2013), còn cả năm là 2.500ha. Đành rằng, địa phương nào cũng muốn bà con nông dân của mình chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập, làm giàu nhưng do không có định hướng, quy hoạch ở tầm cả nước nên mới sinh ra “khủng hoảng thừa” như vậy. Cuối cùng, chịu thiệt vẫn là nông dân.

Trao đổi với PV Báo SGGP, bà Vũ Thị Hà, Trưởng phòng Trồng trọt của Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, tính toán: mỗi sào Bắc bộ (360m²) chỉ cho thu hoạch khoảng 800kg dưa, trong khi chi phí đủ loại là 2 - 2,5 triệu đồng thì với giá bán là 3.000 đồng/kg, bà con cũng chỉ hòa vốn, còn bán với giá 1.000 đồng như hiện nay thì đang lỗ nặng. Muốn lãi, dưa phải bán giá tại ruộng là 5.000 - 6.000 đồng/kg.
 

Theo Phúc Hậu
Sài Gòn Giải Phóng

.