leftcenterrightdel
 Rất nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã bắt đầu triển khai chương trình Tết

Cân đối cung cầu

Ngay từ những ngày đầu tháng 11 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có Chỉ thị số 14/CT - BCT (CT 14) về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung theo dõi để từ đó có sự nhìn nhận, đánh giá chính xác về nguồn hàng hóa cung cầu trên thị trường, đặc biệt lưu ý đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu trong dịp Tết. 

Tại thị trường TP. HCM, nhiều nhóm hàng đã được doanh nghiệp (DN) chuẩn bị với số lượng lớn, chi phối từ 32 - 55% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm (chiếm 57,1%), trứng gia cầm (47%), thực phẩm chế biến (39%), thịt gia súc (35,5%), dầu ăn (34,5%), gạo (30%)... 

Bên cạnh đó, hiện Bộ Công thương đang vận động chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên khắp cả nước.  

Có thể thấy, nền kinh tế cả nước nói chung và thị trường hàng hóa nói riêng đang trong giai đoạn phục hồi với nhiều tín hiệu khả quan. GDP tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm đạt 6,41%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Đây là những tín hiệu tích cực để đạt được mức tăng trưởng mục tiêu cả năm 6,7%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng so với cùng kỳ năm 2016 tăng 3,71%...

Theo đại diện của Sở Công thương TP. HCM, với nguồn cung ứng dồi dào cộng với hệ thống phân phối phủ rộng từ các DN, giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết sẽ ổn định, khó xảy ra biến động. Điều này là chắc chắn vì trong lượng hàng hóa Tết mà các DN chuẩn bị có hơn 7.000 tỷ đồng hàng bình ổn thị trường.

Các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết không điều chỉnh tăng giá bán trong 3 tháng trước, trong và sau Tết (từ ngày 15/1 - ngày 15/3/2018). Đồng thời, DN cũng cam kết thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Theo Sở Công thương, hiện đã có hơn 1.500 chương trình khuyến mại với tổng giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng được các doanh nghiệp tham gia đăng ký thực hiện trong dịp Tết này. 

Từ nay đến cận Tết Nguyên đán, các Hiệp hội ngành hàng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương rà soát, cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để chủ động đề xuất các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bình ổn thị trường khi cần thiết. Chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu, tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ nguồn hàng cho thị trường, đặc biệt trong các dịp cao điểm Lễ, Tết, mùa vụ.

Hiện, rất nhiều DN bình ổn thị trường cùng hệ thống phân phối đã xây dựng kế hoạch khuyến mãi, giảm giá sâu đồng loạt các mặt hàng trong chương trình vào các ngày cận Tết. Theo các chuyên gia, thị trường Tết năm nay không chỉ ổn định mà còn chứng kiến cuộc đua giảm giá của các DN.

Hòa Bình