Ở xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, hơn 4.000 hecta đồi núi khô cằn giờ đã được phủ kín bởi bạt ngàn cỏ xanh, vàng rực những cánh đồng ngô và hoa hướng dương làm nguồn thức ăn cho hơn 30.000 bò sữa. Có thể nói, đây là cuộc “cách mạng" trong ngành nông nghiệp và tư duy canh tác tại Việt Nam. Lần đầu tiên, TH True Milk đưa vào công nghệ sản xuất hiện đại bậc nhất thế giới, biến hàng ngàn người nông dân “chân lấm tay bùn” trở thành những người điều khiển máy móc tối tân.
Cuộc “cách mạng” của bà Thái Hương bắt đầu bằng việc đưa công nghệ hiện đại thay sức người trong mọi quy trình sản xuất và chăn nuôi, thay đổi hoàn toàn tư duy canh tác cũ. Tập đoàn TH đã đầu tư cho trang trại những thiết bị, công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới: Máy liên hợp (làm đất, bón phân, làm cỏ, gieo hạt...); Máy thu hoạch; hệ thống tưới... được nhập khẩu trực tiếp từ Israel, quốc gia có công nghệ nông nghiệp số 1 thế giới hiện nay. Những thiết bị trên cho phép mọi công đoạn từ làm đất, trồng cỏ, ngô, tưới tiêu, chăm sóc... tới thu hoạch hoàn toàn vào một chuỗi. Cỏ tươi, cỏ khô cung cấp lượng thức ăn sạch, dồi dào cho đàn bò sữa hàng chục ngàn con cũng được máy đóng cỏ ép thành những khối vuông vức trước khi chuyển về kho làm thức ăn khô.
Trong một dịp tham quan hồi tháng 7/2013, khi PV Báo NB&CL có mặt trên cánh đồng, ấn tượng nhất với hàng chục khách tham quan chúng tôi là hình ảnh những cánh tay máy khổng lồ, dư sức vươn 300-500m trên khu vực đồng cỏ rộng, đồng ngô bạt ngàn. Đó là một bộ phận của hệ thống tưới thông minh, có thể tự động đo độ ẩm và điều chỉnh chế độ tưới đảm bảo cho cây trồng vừa đủ lượng nước cần thiết. Chưa hết, khi tới khu vực nuôi bò, dãy trang trại sạch sẽ, thoáng mát rộng hàng ngàn mét vuông còn khiến bất cứ ai ghé thăm đều không khỏi choáng ngợp.
Đàn bò sữa hơn 30.000 con ở đây được nhập khẩu hoàn toàn, qua quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn quốc tế. Nguồn nước uống của đàn bò phải đảm bảo “siêu sạch” nhờ hệ thống lọc thô bằng cát, sau đó lọc lại bằng 4 dàn máy lọc Amiad hiện đại rồi được dẫn qua đường ống, vào tận máng uống nước trong trang trại. Đàn bò không chỉ được uống sạch, ăn sạch mà khẩu phần ăn của từng lứa bò cũng được lập trình riêng biệt, đảm bảo cung cấp đủ lượng dinh dưỡng cần thiết để tăng trưởng và phát triển tốt nhất. Ngoài ăn uống khoa học, đàn bò còn được sống trong không gian thư thái, trong lành, được nghe những bản giao hưởng kinh điển hàng ngày- một phương pháp tâm lý khoa học giúp chúng nhiều sữa hơn, chất lượng sữa cao hơn.
Đến công đoạn vắt sữa bò, trang trại cũng không dùng người, không dùng máy vắt mà có cả hệ thống vắt sữa tự động. Với 5 khu vực, hệ thống này có thể vắt được 600 con bò sữa/lần rồi chuyển sữa vắt vào hệ thống lọc. Sữa đã lọc sạch tiếp tục được chuyển vào hệ thống làm lạnh (xuống 2,5 độ C) rồi chảy vào bồn chứa chuyên dụng. Chờ sẵn tại bồn chứa, 11 chiếc xe chuyên dụng luôn sẵn sàng hút sữa lên và đưa qua nhà máy chế biến...
Kết thúc chuyến thăm, hàng trăm khách tham quan lại hồ hởi quay lại cánh đồng, khu chăn nuôi bò để chụp hình kỷ niệm, một niềm vui khó tả như thể là lần đầu đến một xứ sở rất khác..
Cách mạng trong tư duy canh tác
Khi máy móc thay thế sức người, thành quả lao động đã tăng lên gấp trăm, gấp vạn. Vậy nên, chỉ trong một thời gian ngắn, Tập Đoàn TH đã phủ xanh cả một vùng hơn 4.000 hecta đồi núi khô cằn, phủ lên đó màu xanh mướt của cỏ, vàng rực của cao lương... Đàn bò vài ngàn con nhập khẩu trực tiếp từ NewZealand, đến nay đã phát triển lên đến 30.000 con và tăng không ngừng. Bà Thái Hương tự hào: “Từ 1ha đất trước đó chỉ cho thu hoạch trung bình khoảng 70 triệu đồng/năm, bây giờ, nhờ áp dụng công nghệ cao trong việc trồng cỏ, trồng cao lương... đã cho thu hoạch từ 500 triệu- 1,5 tỷ đồng/năm. Thành công của Tập Đoàn TH một lần nữa khẳng định việc thay đổi tư duy trong canh tác là hoàn toàn đúng đắn”. Thực sự, cuộc cách mạng về tư duy này đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong hoạt động sản xuất của đất nước.
Không chỉ mang lại lợi ích cho TH, cuộc sống ở vùng quê Nghĩa Đàn nghèo khó này cũng từng bước “đổi thịt thay da”. Từ khi dự án được đưa vào thực hiện đến nay, Tập đoàn TH đã tạo điều kiện để 2.000 lao động địa phương có việc làm ổn định, được đào tạo để sử dụng thành thạo hệ thống máy móc hiện đại. Thêm nữa, TH còn hỗ trợ 6 triệu đồng/năm cho sinh viên trong vùng dự án đạt thành tích học tập khá giỏi, góp phần thu hút nhân lực chất lượng cao về xây dựng quê hương, thúc đẩy nền kinh tế tri thức cất cánh.
Theo Mộc Miên - Kiên Giang
Công Luận