Các tỉnh miền Tây, TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai đồng loạt siết chặt khai thác cát lậu nên nguồn cung hạn chế, giá cát trên thị trường hiện đã tăng hơn gấp 3 lần so với đầu tháng 5-2017.
Trong vòng hơn 1 tháng, giá cát trên thị trường liên tục leo thang khiến nhiều công trình đang xây dựng gặp khó khăn không nhỏ, bởi chi phí bị đội lên khá cao. Trước đây, giá cát miền Tây đưa về Đồng Nai chỉ xấp xỉ 100 ngàn đồng/m3 thì hiện đã lên đến hơn 300 ngàn đồng/m3, cát khai thác khu vực hồ Trị An đang từ 200 ngàn đồng/m3 đã “leo” lên khoảng 630-650 ngàn đồng/m3.
Tăng chóng mặt
Trước đây, nhiều doanh nghiệp, cá nhân khi xây dựng công trình cần phải san lấp mặt bằng thường mua cát từ miền Tây về để san lấp mặt bằng, vì giá rẻ bằng 40-50% so với cát khai thác tại Đồng Nai. Cát Đồng Nai được dùng trong xây dựng vì chất lượng tốt hơn. Thời gian qua, do nhu cầu về cát lớn nên ở nhiều tỉnh, thành phát sinh tình trạng khai thác cát lậu tràn lan trên các dòng sông, dẫn đến sạt lở nghiêm trọng ở nhiều khu vực ven sông.
Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh, thành phải quản lý thật chặt, không để diễn ra tình trạng khai thác cát lậu trên các sông, hồ. Ngay sau đó, các tỉnh, thành đều ra quân truy quét nạn cát tặc trên sông. Vì thế, nguồn cung dần bị hạn chế, đẩy giá trên thị trường tăng cao.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng xã Hóa An (TP.Biên Hòa) cho hay: “Trong vòng hơn 5 tuần nay, giá cát đã tăng hơn 3 lần so với trước vì nguồn cung hạn chế. Giá cát vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, có thể còn tiếp tục tăng cao khi nhu cầu xây dựng đang rất lớn”.
Ông Trần Văn Hải (ở phường Tam Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Cuối tháng 6 này, tôi khởi công xây dựng nhà ở. Tiền cát san lấp mặt bằng và xây dựng lúc đầu tính chỉ hơn 30 triệu đồng, nhưng chưa kịp mua thì trong vòng hơn 1 tháng tôi đã mất thêm hơn 60 triệu đồng để mua cát”.
Cũng do giá cát đột ngột tăng với tốc độ phi mã đã khiến nhiều công trình lớn đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng hoặc xây dựng buộc phải dừng lại để tính toán thêm phần chi phí bị đội lên không nhỏ.
Đá nghiền Thay cát tự nhiên
Theo nhận định của các đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng, giá cát sẽ còn tiếp tục tăng, đặc biệt là vào cuối mùa mưa và mùa khô tới khi nhiều công trình xây dựng được khởi công.
Để tránh tình trạng cát san lấp, xây dựng khan hiếm, giá tiếp tục leo thang, ông Lý Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho hay: “Nếu giá cát tự nhiên quá cao, những công trình xây dựng nên sử dụng đất, đá san lấp mặt bằng, giá sẽ rẻ hơn cát tự nhiên. Cát dùng trong xây dựng có thể dùng loại cát nghiền từ đá, chất lượng còn tốt hơn cát tự nhiên”.
Đây cũng là dịp cho các doanh nghiệp khai thác đá đầu tư công nghệ xử lý đá thành cát để tăng thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm và hạ nhiệt cho tình trạng khan cát ngoài thị trường.
“Dự kiến cuối năm nay, công ty sẽ đưa dây chuyền sản xuất đá thành cát của Nhật Bản vào hoạt động với công suất khoảng 200m3/giờ. Tính toán sơ bộ thì giá cát nghiền từ đá chỉ bằng 60-70% so với giá cát hiện nay” - ông Hồ Ngọc Liệp, Phó giám đốc Công ty cổ phần xây dựng - sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (TP.Biên Hòa), nói.
Các công ty đang khai thác đá tại Đồng Nai cũng khẳng định những nước phát triển trên thế giới đã tiến hành nghiền đá thành cát. Do đó, việc triển khai ở Việt Nam cũng không mấy khó khăn, chỉ cần xây dựng nhà xưởng, nhập máy móc về lắp ráp là có thể hoạt động.
Vấn đề khiến các doanh nghiệp lo lắng, chưa mạnh dạn đầu tư là bởi vẫn băn khoăn về đầu ra. Hiện nay, thói quen của người Việt Nam khi xây dựng các công trình là hay dùng cát để san lấp mặt bằng và xây dựng.
Ông Trịnh Tiến Bảy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa An (xã Hóa An, TP.Biên Hòa), nói: “Công ty đang khai thác 2 mỏ đá tại TP.Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu. Giá đá bán bình quân gần 200 ngàn đồng/m3, nếu đầu tư dây chuyền chế biến thành cát, giá cát nhân tạo sẽ rẻ hơn gần 200 ngàn đồng/m3 so với cát hồ Trị An. Công ty đang tính toán đầu tư máy móc để làm cát”.
Cũng theo ông Bảy, dây chuyền làm cát chỉ từ 5 tỷ đồng trở lên (tùy theo công suất), doanh nghiệp dễ dàng đầu tư được, nhưng vấn đề “ngại” nhất vẫn là thị trường chưa quen dùng đá nghiền thay cát.
Theo Hương Giang (Báo Đồng Nai)