leftcenterrightdel
Hàng loạt xe công ngày đêm vận chuyển đá thành phẩm ra cảng Cát Lái. 

Trên địa bàn, các doanh nghiệp, cơ sở cưa xẻ đá, khai thác đá tập trung nhiều tại 2 xã Sông Trầu và Sông Thao. Xã Cây Giáo có 02 cơ sở và xã Hưng Thịnh có 01 cơ sở.

Từ năm 2007, khu vực này chỉ có 01 cơ sở manh nha hoạt động, nhưng từ năm 2012 đến nay, nhiều cơ sở, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cưa xẻ đá mọc lên như nấm và công khai hoạt động.

Quy mô nhà xưởng, công suất sản xuất của các cơ sở này càng ngày càng được mở rộng và tăng hơn nhiều so với khi mới được xây dựng. Nhiều trang thiết bị, máy móc được đầu tư, số công nhân cũng tăng cao.

Trong số 17 đơn vị cưa xẻ đá đang hoạt động có Công ty TNHH MTV Quốc Sơn Phát hoạt động từ năm 2007 với diện tích nhà xưởng, khu vực lắp máy cưa là 12.000m2, diện tích khu vực chứa thành phẩm, nguyên liệu cũng là 12.000m2. Đặc biệt, cơ sở này có công suất lớn nhất so với các cơ sở cưa xẻ đá trên cùng địa bàn là 100m3 đá cục/ngày, trong khi các cơ sở khác chỉ từ 10 – 20m3 đá cục/ ngày.

Đáng nói, theo khẳng định của UBND huyện Trảng Bom, tất cả 17 cơ sở cưa xẻ đá đang hoạt động trên địa bàn huyện Trảng Bom đều chưa đủ điều kiện hoạt động, sai phạm nghiêm trọng trên cả 3 lĩnh vực: đất đai, môi trường, xây dựng. Trên địa bàn huyện cũng chưa có một doanh nghiệp, tổ chức nào được phép tận thu đá.

UBND huyện Trảng Bom cũng đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, xử lý sai phạm của các cơ sở trên. Mặc dù đã ra quyết định thu hồi 06 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do huyện cấp và yêu cầu Điện lực Trảng Bom ngừng cung cấp điện đối với các cơ sở cưa xẻ đá này, tuy nhiên, các cơ sở cưa xẻ đá này đã “chạy lên trên” bằng cách lập thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch & Đầu tư để đề nghị Điện lực Trảng Bom tiếp tục cung cấp điện.

Về vấn đề này, UBND huyện Trảng Bom cũng đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư đề nghị Sở này xem xét, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của 6 cơ sở trên địa bàn do các cơ sở này hoạt động khi chưa lập đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định, đó là: thủ tục về chấp thuận địa điểm đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất, thủ tục về môi trường, thủ tục về xây dựng. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Đồng Nai vẫn không hề có một động thái nào trong việc xử lý sai phạm của các doanh nghiệp trên cơ sở đề xuất của UBND huyện Trảng Bom.

Đối với 11 cơ sở cưa xẻ đá còn lại, UBND huyện Trảng Bom đã thực hiện việc cưỡng chế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bằng biện pháp tạm ngưng cung cấp điện. Tuy nhiên, do vướng mắc một số thông tư hướng dẫn nên việc cưỡng chế này không thể thực hiện.

Thế nhưng, thuận theo “chỉ đạo” của UBND tỉnh, UBND huyện đã rà soát các cơ sở cưa xẻ đá này để đề xuất UBND tỉnh xem xét cho tồn tại có thời hạn giống như trường hợp của Công ty TNHH Cao Ngàn Điệp tại huyện Thống Nhất.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

 Việc chậm trễ ban hành các quyết định tiên quyết trong việc xử lý sai phạm đối với các cơ sở cưa xẻ đá trên địa bàn huyện Trảng Bom sẽ dẫn tới hậu quả: Khai thác tài nguyên khoáng sản công khai; Tiếp tay cho hành vi xuất khẩu đá lậu.

Nhóm PV