“Cá kho của làng Vũ Đại tưởng chừng không phát triển hơn, vậy mà giờ đây sản phẩm này được quan tâm ở thị trường các nước. Vậy nên, không có lý do gì mà DN lại sợ cạnh tranh và hội nhập”. Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh tại buổi đối thoại TPP – Cơ hội nào cho DN tại Việt Nam?”, diễn ra ngày 17/3, tại TP HCM.

 


Dòng vốn nước ngoài chuyển dịch vào Việt Nam

Khu vực kinh tế của các nước nằm trong hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Các chuyên gia đánh giá, TPP tạo điều kiện thuận lợi về kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài và DN trong nước. Với các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường đang chứng kiến sự chuyển dịch của dòng vốn vào thị trường Việt Nam để đi tắt đón đầu những cơ hội mới. Bằng chứng thể hiện rõ nét nhất được bà Trần Anh Đào - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM công bố, năm 2015 các nhà đầu tư nước ngoài đã mở thêm 400 tài khoản ở thị trường Việt Nam. Con số trên chứng tỏ sức hút của thị trường đầu tư Việt Nam đối với các DN ngoại. Sự đổ bộ của nguồn vốn ngoại thể hiện rõ nét đối với ngành dệt may. Bởi vì thời gian qua, hàng loạt ông lớn đầu tư mở các nhà máy dệt, nhuộm vào Quảng Ninh, Bình Dương… với số vốn lên tới hàng trăm triệu USD.

Không có điều kiện đổ vốn vào đầu tư sản xuất mạnh dạn như DN ngoại nhưng các ngành kinh tế then chốt của Việt Nam cũng hy vọng, TPP mở ra chân trời mới, nhất là những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn. Theo nhận định của đại diện Bộ Công thương, ngành dệt may, da giày, thủy sản… có những bước tăng trưởng mới, đánh dấu mới thời kỳ hội nhập mới. Đơn cử, dệt may có điều kiện thâm nhập sâu thị trường Hoa Kỳ, châu Âu để cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc – “ứng cử viên số 1” về dệt may của toàn thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng. Điều đặc biệt, thay vì mấy chục năm chỉ gia công hàng dệt may thì đây chính là thời cơ để DN trong nước đứng lên làm chủ. Với mặt hàng nông thủy sản không tạo đột phá vào thị trường Hoa Kỳ vì giảm thuế suất vào thị trường này không giảm bao nhiêu. Song với thị trường Nhật Bản thì đây là cơ hội lớn cho nông thủy sản khi Nhật Bản đồng loạt giảm giá hàng loạt thuế suất các mặt hàng nhập khẩu khác theo quy định của TPP.

Trang bị kiến thức về TPP cho doanh nghiệp nội

Các Bộ ngành cho rằng, điều kiện phát triển là thế, cơ hội tăng trưởng và phát triển đang mở ra nhưng ngặt nỗi DN Việt vẫn đang mù mờ về TPP. “Tôi không thấy bất kỳ một DN có vốn đầu tư nước ngoài hay đại diện hiệp hội DN các nước thắc mắc về TPP. Tôi chỉ nhận được rất nhiều khúc mắc, mù mờ của DN trong nước về vấn đề này”, Thứ trường Bộ Công thương Trần Quốc Khánh băn khoăn. Đồng quan điểm trên nhiều ý kiến cũng khẳng định, hội nhập sâu rộng ở trước mắt vậy mà DN Việt Nam lại thiếu sự chuẩn bị, thậm chí không quan tâm đến TPP. Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ rõ, có 9% DN Việt Nam quan tâm TPP, 14% DN có vốn đầu tư nước ngoài không ủng hộ cao nhưng mức quan tâm cao hơn. Hiện chỉ có con số DN phản ánh thông qua hiệp hội là cao nhất với tỷ lệ 50%. “Ngành cao su – nhựa của cả nước có khoảng 3.000 DN, trong đó 95% DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 40% DN ngành này biết sơ sơ về TPP” Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su - Nhựa Việt Nam nói.

Trước những thông tin thiếu sự chuẩn bị của DN trong nước, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng: Cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam  hãy mạnh dạn đổi mới, cạnh tranh để hội nhập tốt hơn. Theo Thứ trưởng, DN chưa mạnh dạn để cạnh tranh với các nước. Trường hợp đã nhập cuộc rồi thì DN sẽ làm được bởi Việt Nam tham gia đàm phán TPP dựa trên hành trang của 20 năm đổi mới. Kết quả đến nay, DN Việt đang đứng đầu bảng với các mặt hàng về sữa, gia vị, mì ăn liền, dịch vụ…”. Ví dụ, cá kho của làng Vũ Đại tưởng chừng không phát triển hơn, vậy mà giờ đây sản phẩm này đang được quan tâm ở thị trường các nước. Vậy nên không có lý do gì mà DN lại sợ cạnh tranh và hội nhập” - ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Bộ Công thương cũng cho rằng, hội nhập không đơn giản. Trường hợp DN chịu chấp nhận cạnh tranh, chấp nhận thay đổi, kể cả làm lại từ đầu sẽ biến không thành có. Và DN nên cạnh tranh bằng chất lượng, bằng chữ tín. Đồng thời, chú ý quản trị hiện đại thay vì quản trị gia đình...      

Kỳ vọng chứng khoán thay đổi tích cực

Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cho biết, dưới tác động của TPP, Sở rất kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ có nhiều thay đổi tích cực. Dựa trên nền tảng phát triển chung của nền kinh tế, chất lượng hàng hoá trên thị trường chứng khoán cũng sẽ được cải thiện đáng kể, không chỉ đối với chứng khoán của các ngành hưởng lợi như dệt may, da giày, thuỷ sản,  mà còn cộng hưởng đến các ngành phụ trợ khác. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh, tạo động lực tăng trưởng mới cho thị trường.   

 

Theo Đại đoàn kết

.