Tự hào là người Việt Nam

Mấy anh em, bạn bè hẹn ngồi cùng nhau “tất niên” để tiễn năm cũ 2020 với nhiều “biến cố không vui” và đón chào năm mới 2021 với hy vọng nhiều điều tốt lành ở phía trước. Mở đầu cuộc trò chuyện, tôi có hỏi CEO của Tập đoàn Kangaroo Nguyễn Thành Phương một câu hỏi mà lúc đầu chỉ mang tính “xã giao” để có thông tin “chia sẻ” với doanh nghiệp, doanh nhân đã phải “gồng mình” vượt qua  năm 2020 khi phải đối mặt với tác động của dịch COVID-19 đã và đang “tấn công” trên phạm vi toàn cầu. Riêng nước ta, còn phải gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề do thiên tai, bão lụt liên tục xảy ra. Đặc biệt là khu vực miền Trung đã bị ảnh hưởng trực tiếp trước mắt cũng như lâu dài tới sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội nói chung và với doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng…

“Nếu nói ngắn gọn về năm 2020 đã qua, anh đánh giá như thế nào về những tác động bất lợi đã ảnh hưởng tới hoạt động và sự tăng trưởng của Tập đoàn?”. Tuy nhiên, sau đó tôi và những người bạn hơi bất ngờ, vì không thấy CEO Nguyễn Thành Phương trả lời thẳng vào câu hỏi mà lại quay ra nói về những vấn đề có tính “khái niệm” để nói về cơ sở đánh giá một doanh nghiệp nói chung và với Tập đoàn Kangaroo nói riêng, đó là: “Tài sản hữu hình, giá trị tài sản hữu hình” và “Tài sản vô hình, giá trị tài sản vô hình”… Sau khi phân tích cho tôi và những người bạn “hiểu vấn đề căn bản” này thì anh đưa ra đánh giá của mình: Chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là kết thúc năm 2020, nhưng có thể khẳng định một điều chắc chắn là càng qua gian nan, khó khăn và thách thức mới càng thấy được niềm tự hào, kiêu hãnh mình là người Việt Nam, được lao động, cống hiến cho quê hương, đất nước với tất cả lòng tri ân, biết ơn tổ tiên, cha mẹ, biết ơn Đảng, Bác Hồ vĩ đại. 

leftcenterrightdel
Chương trình phát gạo miễn phí cho người dân của Tập đoàn Kangaroo. 

Có lẽ, không chỉ riêng tôi mà cả mấy anh em như thấy “mở bài” của CEO Thành Phương có vẻ “lạc đề” vì chưa thấy “ăn nhập” với câu hỏi mà lúc đầu tôi đã nêu ra với anh. Như đoán được điều đó, CEO Thanh Phương nói tiếp: Chỉ xin nói về đất nước Việt Nam thân yêu mà anh em mình được sinh ra và nói về thời đại Hồ Chí Minh ngày nay, chúng ta đã vô cùng tự hào. Việt Nam chỉ là một nước nhỏ bé, lạc hậu, từng liên tục bị các đế quốc lớn là Pháp, Mỹ rất hùng mạnh xâm lược với ý đồ biến nước ta thành thuộc địa và nhân dân ta sống trong thân phận nô lệ, thấp hèn.

Nhưng, lịch sử Việt Nam và thế giới đã ghi tên Việt Nam hai lần đánh bại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, nhân dân cả nước tiếp tục chung sức, đồng lòng, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng đã và đang viết tiếp những trang sử tự hào của dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo con đường tiến lên Chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ và Đảng ta đã chọn. 

CEO Thành Phương nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Có phải đây là một kỳ tích trong bối cảnh nước ta đứng trước những bề bộn khó khăn và tình hình thế giới có nhiều biến động mạnh mẽ, phức tạp? Điều quan trọng hơn là qua đây đã cho chúng ta thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý”.

CEO Thành Phương chia sẻ, Việt Nam đang là “điểm đến” thu hút sự quan tâm của cả thế giới với nhiều chiến lược hợp tác phát triển. Thật xúc động khi có nhiều người Việt của chúng ta đang sinh sống, học tập và làm việc ở khắp nơi trên thế giới, có những gia đình đã có tới hai, ba thế hệ sinh ra và lớn lên ở nước sở tại, nhưng mỗi khi nhắc tới Việt Nam, nơi cội nguồn sinh ra thì tất cả đều có chung một tình cảm sâu nặng với quê hương, chung một niềm tự hào là người Việt Nam. 

“Văn hóa doanh nghiệp”là nền tảng cho sự phát triển

CEO Nguyễn Thành Phương tiếp tục câu chuyện một cách hào hứng: Chúng ta đều thấy một Việt Nam không chỉ giỏi trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm mà còn giỏi ở nhiều lĩnh vực khác mà tiêu biểu là cuộc chiến chống “giặc” COVD-19 vừa qua. Trong khi “giặc” COVID-19 tàn phá khắp thế giới khiên hơn 2 triệu người tử vong trong tổng cộng hơn 93,3 triệu ca nhiễm bệnh; bất ổn xã hội diễn ra ở nhiều nơi, kinh tế khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp ở những nước là cường quốc hay tập đoàn lớn đa quốc gia cũng bị rơi vào tình trạng “sống dở, chết dở”… thì những thành công bước đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Việt Nam là một trong những “điểm sáng” trên thế giới.

leftcenterrightdel
Cây ATM sách miễn phí đầu tiên do Công ty cổ phần Sách Thái Hà đầu tư lắp đặt. 

Việt Nam chúng ta đã nhanh chóng dập tắt được các đợt dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, tính mạng, sức khỏe của con người được coi trọng trên hết, giữ được ổn định xã hội, nhanh chóng chuyển trạng thái “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế” mà người quản lý doanh nghiệp như anh, em chúng tôi mới cảm nhận được sâu sắc nhất những kết quả, những thành công mà đất nước ta đã đạt được trong năm 2020 vừa qua. Nếu xét về “tài sản hữu hình” thì đúng là năm qua, không chỉ Tập đoàn Kangaroo mà rất nhiều lĩnh vực, ngành, nghề khác giữ được sự “ổn định” đã là điều kì diệu rồi, thậm chí có lĩnh vực còn bị “tăng trưởng âm”.

Nhưng trong nguy cơ và thách thức, những thành công của Việt Nam đã “ghi điểm” rất cao với bạn bè thế giới, đó là: Việt Nam là điểm đến an toàn với niềm tin tưởng, tin yêu mà bạn bè quốc tế dành cho; chỉ có cơ chế Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ mới phát huy được sức mạnh toàn dân tộc; Việt Nam có truyền thống rất nhân văn “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng vượt qua khó khăn, hoạn nạn, trong đó doanh nghiệp, doanh nhân có phần đóng góp không nhỏ…

Những điều đó đã góp phần làm nên thương hiệu “Việt Nam”, đây là cơ hội “ngàn vàng” mà qua đại dịch “COVID-19” đã “vô tình” mang lại cho Việt Nam nói chung và trong đó doanh nghiệp của chúng ta có “cơ hội” mới về khả năng sẵn sàng thích ứng và triển khai một cách có hiệu quả trong mọi tình huống xấu có thể xảy ra với đất nước ta. Đó chính là “tài sản vô hình, giá trị tài sản vô hình” và nếu xét một cách tổng thể của cả nước chỉ số giá trị tăng rất cao. 

Với riêng Tập đoàn Kangaroo thì giá trị tăng trưởng đó xin khẳng định là tăng gấp 300%. Thấy chúng tôi có vẻ như vẫn chưa hiểu, Nguyễn Thành Phương giải thích thêm: Nếu Việt Nam không an toàn thì quốc gia, doanh nghiệp nào dám nghĩ đến chuyện đầu tư, mở thị trường “làm ăn” lâu dài với Việt Nam. Bởi làm kinh tế là phải tính đến con số lỗ, lãi. Nếu không ổn định về thể chế chính trị, hoàn thiện về pháp luật, đổi mới về tư duy phát triển kinh tế - xã hội thì không dễ dàng có “cơ hội” phát triển sau đại dịch COVID-19, vì đầu tư cho phát triển nói chung, kinh tế nói riêng không phải là “miếng bánh, trái cây” bỏ tiền ra mua rồi “ăn liền” là xong mà nó đòi hỏi cả một quá trình đầu tư, tái đầu tư… và cần có nhiều thời gian để triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển.

Doanh nghiệp nào không biết “tận dụng cơ hội vàng” này đem lại, biết biến “nguy cơ” thành “thời cơ” để có chiến lược phát triển mà vẫn còn tư duy làm ăn “mạnh ai nấy làm”, dùng thủ đoạn cạnh tranh thiếu lành mạnh, triệt hại lẫn nhau, lợi dụng kiểu “đục nước thả câu” để làm ăn lừa đảo chụp, giật sẽ tự bị guồng quay của quy luật kinh tế thị trường “bật ra khỏi cuộc chơi” hoặc sẽ bị “nghiền nát” không có cơ hội cho họ. Biết nắm bắt đúng thời cơ trong giai đoạn khó khăn, khủng hoảng để tái cấu trúc sắp xếp lại doanh nghiệp, đổi mới và nâng cao kỹ năng quản trị cũng như tập trung cho công tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho các vị trí việc làm mang tính chuyên môn sâu có tính chất “đầu tư” để chủ động và sẵn sàng tâm thế đón “luồng gió” về đầu tư, liên kết sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường trên nền tảng các thị trường truyền thống và thị trường mới mở.

Trong cuộc sống của tất cả chúng ta chứ không riêng doanh nghiệp cần ghi nhớ câu “muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Đó chính là phong cách, đạo đức sống. Với doanh nghiệp thì đó là “Văn hóa doanh nghiệp”. Biết trân trọng, giữ gìn “chữ tín quý hơn vàng” để cùng hợp tác và phát triển, chia sẻ lợi nhuận và làm công tác xã hội thiện nguyện, cùng chung tay góp phần xóa đói giảm nghèo, vì một cộng đồng xã hội cùng phát triển. Khi CEO Nguyễn Thành Phương nói đến đây, tôi cảm thấy có lẽ mình hỏi thêm câu nào nữa cũng là thừa và thầm cảm ơn anh đã cho tôi hiểu thêm được phần nào về “Văn hóa doanh nghiệp” trong thời đại công nghiệp 4.0 này. 

Câu chuyện tạm dừng, cũng là lúc tiếng pháo hoa, muôn màu ánh sáng rực rỡ xen trong tiếng chúc tụng nhau khi thời khắc chuyển giao năm 2020 sang năm mới 2021 đã vang lên. Xin chúc các doanh nghiệp, doanh nhân, xin chúc Tập đoàn Kangaroo và CEO Nguyễn Thành Phương luôn có tâm thế tự tin, vững bước đi trên con đường đã lựa chọn, gặt hái nhiều thành công trong năm mới 2021 và những năm tiếp theo. Cùng chung tay góp phần xây dựng nên “Văn hóa doanh nghiệp” làm động lực, là hành trang để vươn ra “biển lớn” cùng sánh vai các cường quốc năm châu trên thương trường thế giới và càng thêm tự hào chúng ta là người Việt Nam.

Huy Lâm