Doanh nghiệp sẽ tự xác định mức giá bán lẻ sữa?
Cập nhật lúc 23:06, Thứ hai, 20/03/2017 (GMT+7)
Các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối (sản xuất, nhập khẩu sữa) có trách nhiệm tự xác định mức giá bán lẻ sữa và thực phẩm chức năng đến người tiêu dùng cuối cùng. Đây là những điểm mới trong Thông tư hướng dẫn về quản lý giá sữa sẽ được Bộ Công thương ban hành tới đây. (sữa, bán lẻ , trẻ em, Doanh nghiệp)
Các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối (sản xuất, nhập khẩu sữa) có trách nhiệm tự xác định mức giá bán lẻ sữa và thực phẩm chức năng đến người tiêu dùng cuối cùng. Đây là những điểm mới trong Thông tư hướng dẫn về quản lý giá sữa sẽ được Bộ Công thương ban hành tới đây.
Trên cơ sở khai báo của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xác định tính hợp lý, hợp pháp của giá sữa do doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký, kê khai và giám sát việc thực hiện giá bán này trên thị trường.
Như vậy, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối sẽ tự xác định giá bán lẻ đối với sữa và thực phẩm chức năng do mình cung ứng và thực hiện việc kê khai (trong trường hợp không áp dụng biện pháp bình ổn giá) hoặc đăng ký giá đối với mặt hàng sữa (trong trường hợp áp dụng biện pháp bình ổn giá) với Bộ Công thương, đồng thời thông báo hệ thống phân phối của mình với Bộ Công thương.
Sau khi xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký hoặc kê khai, Bộ Công thương sẽ thông báo mức giá nêu trên và thông tin về hệ thống phân phối của từng doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối đến cơ quan quản lý tại các địa phương để phối hợp giám sát giá ở khâu bán lẻ cuối cùng.
Mức giá này sẽ là mức giá trần của sản phẩm sữa bán trong toàn hệ thống của doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối, các đơn vị phân phối dưới sự giám sát của các thương nhân đầu mối nêu trên, đồng thời chịu sự kiểm soát của các lực lượng chức năng trên địa bàn kinh doanh (Sở Công thương, Quản lý thị trường, Thanh tra thuế...).
Theo đánh giá của Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương, với phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả...Đồng thời, xác định được trách nhiệm của các doanh nghiệp, hợp tác xã khi có vi phạm hoặc có thể thu hồi được sản phẩm trong trường hợp sản phẩm có vấn đề về chất lượng.
Sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi nằm trong danh mục hàng bình ổn
Còn theo các quy định hiện hành tại Luật Giá và Thông tư số 233/2016/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56 ngày 28/4/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, thì sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là một trong những mặt hàng nằm trong danh mục Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.
Đối với những mặt hàng nằm trong danh mục này, khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá, tùy biện pháp áp dụng (như điều hòa cung cầu, các biện pháp tài chính tiền tệ phù hợp, lập quỹ bình ổn, đăng ký giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá, hỗ trợ về giá phù hợp, định giá tối đa, tối thiểu...), các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này sẽ phải thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Nhà nước.
Khi Nhà nước không công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá thì sẽ phải kê khai giá đến các cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp. Cụ thể: Các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi có trách nhiệm: Thực hiện đúng quy định về kê khai giá; Được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá khi các chính sách của Nhà nước thay đổi và các yếu tố đầu vào như: giá nguyên liệu, tỷ giá, giá nhập khẩu...biến động làm tăng hoặc giảm chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh và giá bán sữa.
Trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá trong phạm vi 5% thì thực hiện gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh mới cho cơ quan tiếp nhận văn bản trước khi điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá hàng hóa, dịch vụ vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, tổ chức, cá nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định; và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của giá kê khai.
Gia Hân
.