leftcenterrightdel
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, lý do doanh nghiệp rút khỏi thị trường, do điều kiện kinh doanh chưa được như mong muốn  (ảnh T.D)

Đại diện nhóm nghiên cứu VEPR, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, những diễn biến của kinh tế thế giới hiện tại có thể tác động tới kinh tế Việt Nam ở nhiều góc độ. Thứ nhất, mặc dù nguy cơ đối đầu thương mại trực tiếp với Mỹ, nhưng cán cân thương mại có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp qua kênh Trung Quốc. Hơn nữa, việc VND neo khá cứng vào USD cũng khiến hàng hóa Việt Nam ngày càng kém cạnh tranh hơn. Thứ hai, dòng vốn vào cũng chịu những tác động tiêu cực khi Fed liên tục tăng lãi suất chính sách (dự kiến còn một lần nữa trong năm 2018 và hai lần nữa trong năm 2019). Ngoài ra, sự gia tăng lãi suất của Fed cũng gây áp lực lên lãi suất nội tệ nhằm ổn định tỷ giá và phòng ngừa lạm phát...

Về tình phát triển hình kinh tế của Việt Nam, bên cạnh việc ghi nhận những dấu hiệu tích cực, ông Thành thông tin, nối tiếp đà tăng của Quý 2, lạm phát vẫn được giữ ở mức cao trong Quý 3/2018. Sau khi tăng cao lên 4,67% vào tháng 6, lạm phát toàn phần đã suy giảm nhẹ trong Quý 3 và duy trì ở mức 3,98%. Tuy nhiên, mức lạm phát này cũng đã cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2017 khi lạm phát chỉ tăng lần lượt 2,52%; 3,35%; 3,40% trong ba tháng Quý 3/2017. Quý cuối cùng của năm 2018 khi không còn các yếu tố thuận lợi hỗ trợ như năm 2017, lạm phát các tháng có khả năng sẽ vượt quá mốc 4%. Một tín hiệu cho thấy khả năng này là giá xăng đã tiếp tục tăng mạnh từ chiều ngày 06/10/2018.

leftcenterrightdel
Các chuyên gia đã đưa ra nhiều đề xuất cho sự phát triển kinh tế Việt Nam tại buổi Lễ ( ảnh: T.D)

Tính chung 9 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,57%. Một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự gia tăng của CPI trong năm nay là giá lương thực, thực phẩm phục hồi mạnh so với năm 2017…

Bên cạnh đó, VEPR cũng đưa ra những lưu ý như: việc chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành được coi là động lực chính của tăng trưởng - công nghiệp chế biến, chế tạo - tiếp tục tăng trưởng cao 12,9%. Song giá trị gia tăng tạo ra trong ngành này chủ yếu tới từ khu vực FDI. Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài.

Lạm phát Quý 3 tuy không còn tăng cao như quý trước nhưng vẫn giữ ở mức cao, chủ yếu đến từ việc giá thực phẩm tiếp tục phục hồi mạnh và sự điều chỉnh tăng giá xăng dầu liên tục… Với mức tăng trưởng tích cực 6,88% của Quý 3, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6,8% trong năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai của nền kinh tế Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới…

Đặc biệt, là trong Quý 3 tiếp tục chứng kiến lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động nhiều bất thường so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, Quý 3/2018 có tổng số 24.501 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng tới 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 73.103 doanh nghiệp, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới không tăng lên nhiều, “việc doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao bất thường thời gian gần đây khiến cho mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 càng trở nên không dễ dàng” - ộng Thành cho hay.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong Quý 3 không chênh lệch nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (32.080 so với 32.691). Tính tới hết tháng 9/2018, có 96.611 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Từ góc nhìn của mình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, doanh nghiệp đăng ký không cao so với trước nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động lại tăng cao tới hơn 48%. Lý do doanh nghiệp rút khỏi thị trường, theo bà do điều kiện kinh doanh chưa được như mong muốn của doanh nghiệp, “doanh nghiệp phải bôi trơn nhiều cửa “ngách” thì mới đến được cửa cuối cùng. Thực tế, sự phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp vẫn còn nhiều lắm, công sức của Chính phủ bỏ ra để cải cách rất nhiều nhưng kết quả vẫn chưa đạt được” – bà Phạm Chi Lan chia sẻ.

Hơn nữa, điều khiến doanh nghiệp lo lắng là Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, nhưng doanh nghiệp trong nước lại chưa được hưởng lợi nhiều từ những cam kết này, cơ hội hầu hết là cho nhà dầu tư nước ngoài. Đó là một nghịch lý lớn.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh thì đưa ra một số lưu ý: Không đánh giá lạc quan vào giá trị gia tăng xuất khẩu của doanh nghiệp mà cần phải có sự phân tích tỉnh táo, nghiêm túc hơn trong thời gian tới, doanh nghiệp không đầu tư vào KHCN đó sẽ là câu hỏi lớn cho những năm tiếp theo. Cùng với đó, phải chú ý hơn nữa về nguyên liệu thủy sản, nền nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề hội nhập đó là phần lớn sản phẩm chưa có chứng chỉ xuất xứ.

Điểm ông lưu ý nữa đó là việc năm 2018, Việt Nam phải hoàn tất thủ tục chứng nhận nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải kết hợp nhuần nhuyễn việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do với cải cách trong nước.

Minh Nhật