Năm học mới sắp bắt đầu cũng là lúc thị trường đồ dùng học tập sôi động. Ngoài những đồ dùng học tập trong nước sản xuất, trên thị trường còn tràn ngập những mặt hàng có xuất xứ Trung Quốc.
 


“Made in China”-loại đồ nào cũng có

Những ngày gần đây, tại các nhà sách lớn ở Hà Nội như: Trung tâm sách và thiết bị giáo dục (Giảng Võ), Nhà sách Nguyễn Văn Cừ (Xuân Thủy), nhà sách Tràng Tiền, Tiền Phong (Nguyễn Thái Học)... đã tấp nập phụ huynh và học sinh đi mua sắm sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho năm học mới.

Bên cạnh sản phẩm vở viết của những doanh nghiệp tên tuổi như: Hồng Hà, Vĩnh Tiến, Hoàng Anh, Tiến Thành... có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, thị trường đồ dùng học sinh còn có nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo quan sát của phóng viên, sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc đa dạng, từ các đồ dùng như bút mực nước, bút dạ quang, chì sáp, chì bấm, tẩy, bảng đến các bộ dụng cụ trọn gói cho học sinh tiểu học gồm hộp nhựa, kéo, thước kẻ, bút chì, cục gồm hình thú vật...

Tại gian hàng bán đồ dùng học tập của siêu thị Big C không khó để người mua lựa chọn mua những sản phẩm đồ dùng “Made in China”, từ cục gôm cho đến cặp xách. Hay nhà sách Nguyễn Văn Cừ trên đường Láng phóng viên cũng không khó để tìm mua những đồ dùng này. Đặc biệt, các sạp hàng bán đồ dùng học tập trong nhiều chợ như: Ngã Tư Sở, chợ Đồng Xuân... các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc được bán tràn lan, đi tới góc nào của chợ cũng có thể tìm mua được một sản phẩm đồ dùng học tập “made in China”.

Không quan tâm xuất xứ

Hàng Trung Quốc luôn đánh vào tâm lí thích rẻ, mẫu mã đẹp của người tiêu dùng.  Vì vậy, các mặt hàng đồ dùng học tập trong nước luôn phải cạnh tranh về giá cả mẫu mã với hàng Trung Quốc.

Tại trung tâm siêu thị Big C, phóng viên quan sát thấy các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán song song với các mặt hàng đồ dùng học tập do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Trong khi đó, nhiều phụ huynh khi chọn đồ dùng học tập cho con không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của những sản phẩm mình mua. Chị Trần Thị Hải Thanh, Hai Bà Trưng- Hà Nội đang mua sắm tại Big C cho biết: “Đi mua đồ dùng học tập cho con, mình cũng ít khi quan tâm tới nguồn gốc, xuất xứ mà chủ yếu chọn theo cảm tính, thấy sản phẩm nào mẫu mã đẹp và giá cả phải chăng thì mình mua”.

Đặc biệt, các em học sinh là đối tượng sử dụng đến đồ dùng học tập nhiều nhất nhưng cũng ít em quan tâm tới nguồn gốc của sản phẩm. Khi phóng viên hỏi bạn Lê Thu Trang, học sinh lớp 8 trường THPT Đoàn Thị Điểm- Hà Nội về việc có ưu tiên chọn đồ dùng học tập có nguồn gốc xuất xứ trong nước không được bạn cho biết: “Em không quan tâm chọn hàng sản xuất ở đâu, khi đi mua đồ dùng học tập em chỉ chọn những sản phẩm có hình nhân vật mà em thích”.

Đồ dùng học tập Trung Quốc có những sản phẩm cũng na ná như hàng Việt Nam sản xuất, khiến cho nhiều người tiêu dùng dễ nhầm lẫn cho đó là hàng Việt Nam. Chị Phạm Thị Thanh Nhàn, nhân viên văn phòng Công ty FPT- Hà Nội cho biết: “Hàng Trung Quốc nhiều sản phẩm có kiểu dáng giống với hàng Việt Nam, nhiều khi đi mua đồ dùng học tập cho con không để ý là mua phải hàng Trung Quốc mà không biết, về nhà lúc ngồi kèm cháu học mới biết mua phải hàng Trung Quốc”.

Trong khi chất lượng của những sản phẩm này còn phải xem xét. Một nhân viên một nhà sách trên đường Láng- Hà Nội cho biết: “Về kiểu dáng và mẫu mã có thể một số mặt của hàng Trung Quốc đẹp hơn hàng Việt Nam nhưng về chất lượng thì không bằng. Những sản phẩm của Trung Quốc sản xuất dễ bị hỏng hơn. Một số sản phẩm mới sử dụng một vài lần là hư hỏng như bút chảy, lem mực, hộp bút thì bong sơn...

Trong khi chúng ta đang phát động phong trào "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", trong khi hàng Việt Nam đã có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt thì sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc vẫn tràn lan và có phần lấn lướt trên thị trường. Phải chăng các doanh nghiệp chưa khai thác hết tiềm năng thị trường trong nước hay người Việt chưa thực sự ưu tiên dùng hàng Việt?
 

Theo Đỗ Hòa
Báo Hải Quan

.