Trong tháng 5.2013, các nhà khai thác dịch vụ ADSL, từ VNPT, Viettel, FPT đang ào ạt khuyến mãi cho khách hàng mới, thậm chí có những động thái giành giật khách hàng cũ của các nhà mạng khác. Họ phải khuyến mãi mạnh trước tình trạng sụt giảm lượng thuê bao vì sức ép từ những công nghệ kết nối khác.
 

Các nhà khai thác dịch vụ internet ADSL đang khuyến mãi mạnh trước tình trạng sụt giảm lượng thuê bao vì sức ép từ những công nghệ kết nối khác. Ảnh: Thanh Hảo
Các nhà khai thác dịch vụ internet ADSL đang khuyến mãi mạnh trước tình trạng sụt giảm lượng thuê bao vì sức ép từ những công nghệ kết nối khác. Ảnh: Thanh Hảo


Về tăng trưởng của dịch vụ ADSL, bà Hồ Thị Diệu Hồng, trưởng phòng kinh doanh của trung tâm điện toán và truyền số liệu khu vực 2 (VDC2) cho rằng, với sức ép của công nghệ 3G, trong vài năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của dịch vụ ADSL chỉ ở mức 15%. “Phấn đấu đạt được mức tăng trưởng như vậy đã là giỏi. Phải giữ chất lượng dịch vụ cũng như chăm sóc khách hàng tốt mới giữ được khách”, bà Hồng nói.

Đến thời kỳ tận thu

Bà Bùi Phương Châu, giám đốc truyền thông của FPT cũng cho biết, lượng thuê bao ADSL của FPT cũng không còn tăng mạnh như trước. Ông Lê Hữu Hiền, phó giám đốc Viettel Telecom cũng xác nhận: “Thị trường ADSL Việt Nam vẫn có tăng trưởng nhưng khá chậm và đang có dấu hiệu chững lại”. Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, một chuyên gia kinh tế nói rằng, từ năm 2010 cho tới nay, việc hàng trăm ngàn doanh nghiệp “bốc hơi” đã làm các nhà khai thác thất thu vì đây là lượng khách chi nhiều tiền cho dịch vụ ADSL hơn nhóm hộ gia đình.

Cách đây vài ba năm, để tăng thuê bao ADSL, bên cạnh việc giảm giá, chăm sóc khách hàng, ổn định chất lượng, các nhà khai thác dịch vụ đầu tư các dịch vụ gia tăng như truyền hình internet (IPTV)… Đã có lúc, các gói IPTV: MyTV của VNPT, OneTV của FPT, gần đây có thêm NextTV của Viettel tưởng chừng sẽ gia tăng thuê bao cho ADSL nhưng hướng đi này đang “rơi vào ngõ cụt” vì dịch vụ trên bị các nhà cung cấp khác cạnh tranh với dịch vụ có chất lượng cao hơn: truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh…

Giới kinh doanh ADSL cho rằng, vào thời điểm này các nhà khai thác khó đầu tư vào dịch vụ này để mở rộng thị trường. Nếu muốn tăng thuê bao, phải nhắm đến những khu đô thị mới hoặc vùng sâu, vùng xa nhưng chi phí đầu tư vào những khu vực này lại là thách thức với các nhà khai thác, nếu không muốn nói là mạo hiểm. Theo ông Hiền, Viettel vẫn đang trong quá trình phổ cập dịch vụ internet nhưng không đầu tư nâng cấp hạ tầng ADSL nữa mà chỉ cung cấp trên hạ tầng sẵn có cho đối tượng khách hàng có nhu cầu băng thông phù hợp với công nghệ này vì hạ tầng vẫn còn đủ năng lực đáp ứng, chưa kể những công nghệ mới như: 3G, cáp quang…

Khi công nghệ kết nối 3G vừa xuất hiện, các nhà khai thác ADSL rơi vào tình trạng “khốn đốn”. Tất nhiên, nhiều đối tượng khách hàng như công ty, cá nhân có nhu cầu sử dụng internet tốc độ cao không thể dùng tốc độ của 3G hiện nay để làm việc nên dịch vụ ADSL vẫn còn đất sống, có điều không còn “xênh xang” như trước.

Làm sao níu thuê bao?

“Cách đây vài ba năm, các nhà khai thác đã nhìn ra viễn cảnh trên nên hầu như không có ai dám đầu tư thị trường, công nghệ mà chỉ nâng cấp, cải tạo chất lượng hệ thống, chăm sóc nhóm khách hàng tại những thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Lĩnh vực ADSL bắt đầu giai đoạn tận thu”, ông Nguyễn Trí Năng, một chuyên gia khai thác thị trường ADSL bình luận. “Trong khi các yếu tố về chất lượng giữa các nhà khai thác dịch vụ không còn chênh lệch như trước, họ sẽ nghĩ tới nhiều chiêu để câu khách hàng về với mình. Vì không còn cơ hội mở rộng thị trường nên các nhà khai thác đang giành giật khách hàng lẫn nhau”.

Tháng 5, VNPT, Viettel, FPT đều giành cho khách hàng mới nhiều ưu đãi: giảm cước từ 30 – 45% so với giá cước niêm yết, nếu trả trước 12 tháng cước sẽ được tặng cước tháng 13, giảm phí lắp đặt ban đầu… Trong tờ rơi chương trình khuyến mãi tháng 5 của FPT có ghi rõ: nếu khách hàng đang dùng các dịch vụ của VNPT, Viettel khi chuyển sang dùng dịch vụ của FPT không chỉ được tặng modem wifi hoặc modem bốn cổng mà còn được giảm giá với số tiền là 20.000 đồng/tháng cho các gói Mega Save, Mega You và Mega Me.

Trong khi chực chờ giành khách của đối thủ, dường như các nhà cung cấp dịch vụ lại quên chăm sóc nhóm khách hàng cũ của mình. Ông Nguyễn Phan Vĩnh (Gò Vấp, TP.HCM) bức xúc kể: là một khách hàng lâu năm sử dụng dịch vụ ADSL của Viettel nhưng sau khi đăng ký, ông chưa bao giờ được hưởng thêm bất kỳ ưu đãi nào của nhà cung cấp dịch vụ này. Cách đây vài tháng, nhờ bạn bè mách nước rằng cần đến điểm dịch vụ chủ động yêu cầu khuyến mãi và doạ cắt hợp đồng, ông mới được giảm cước. Ông Vĩnh cho rằng, lẽ ra Viettel phải chủ động khuyến mãi cho các khách hàng cũ.

Bà Tuyết Hoà (Bình Thạnh, TP.HCM), đang sử dụng ADSL của VNPT cũng không hài lòng về thái độ chăm sóc khách hàng của nhà khai thác này. Gần đây, khi hư modem, bà Hoà có gọi đến trung tâm chăm sóc khách hàng nhưng sau khi nhận thông tin, trung tâm này không cử nhân viên đến để sửa chữa. Vì có nhu cầu dùng, bà Hoà tự mua modem mới để thay thế. “Gần năm ngày sau họ mới gọi cho tôi. Không thể chấp nhận thái độ chăm sóc khách hàng như vậy. Gần sáu năm sử dụng dịch vụ nhưng chưa bao giờ tôi nhận được ưu đãi nào chỉ trừ đúng ngày thu tiền, nhân viên có mặt”, bà Hoà bức xúc.
 

Theo bộ Thông tin và truyền thông, tính đến cuối năm 2012, thuê bao ADSL tại Việt Nam ước chừng 5,2 triệu thuê bao, trong đó có khoảng 3 triệu thuê bao gia đình. VNPT dẫn đầu thị trường với thị phần là 62%, ước chừng 3,2 triệu thuê bao, Viettel khoảng 1,2 triệu thuê bao (23%), FPT có 700.000 thuê bao (13%), 2% còn lại thuộc về NetNam, Saigon Postel (SPT) đang khai thác nhóm khách hàng doanh nghiệp tại các đô thị lớn.


Theo Gia Vinh

Sgtt.vn