leftcenterrightdel
Bà Phạm Khánh Phong Lan kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối. 

Rạng sáng 12/3, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM do bà Phạm Khánh Phong Lan làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thịt lợn tại những điểm giết mổ, tiêu thụ lớn ở thành phố như cơ sở giết mổ gia súc Xuyên Á, nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP.HCM thành phố đã đề xuất có những ngăn chặn, lệnh cấm chính thức về việc vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam do giá lợn hơi cao hơn phía Bắc bởi phía Bắc có 13 tỉnh đã mắc dịch tả heo châu Phi.

“Ở các tỉnh ở miền Tây cho lợn ăn, tắm heo, tất cả chất thải đều thải xuống sông, kênh, rạch,… nếu như dịch bệnh vào miền Nam thì đây thực sự là một thảm họa”, bà Lan nhấn mạnh.

“Chúng ta đã có đề xuất ngăn chặn lợn bệnh, kể cả lợn chưa phát bệnh di chuyển từ Bắc vào Nam. Hiện nay, chúng ta gia tăng chốt chặn, các cửa ngõ vào thành phố. Tuy nhiên, đứng về mặt chính thức thì chúng ta chưa có một động thái nào.

Về khía cạnh kinh tế, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với vốn ít sẽ thiệt hại rất lớn bởi tỷ lệ lợn chết gần như 100%. Để những người chăn nuôi thể hiện trách nhiệm với cộng đồng như không giấu dịch, đem đi tiêu hủy, không lén lút đưa vào thị trường thì phải có đền bù thỏa đáng, kịp thời. Nếu không, đây là một thảm họa kinh tế”, bà Lan cho biết thêm.

Trước đó, ngày 8/3 vừa qua, Đội quản lý ATTP chợ đầu mối Bình Điền (thuộc Ban quản lý ATTP TP.HCM) phát hiện 1.170 kg thịt lợn bị long móng, có mụn nước, xuất huyết, có dấu hiệu bị bệnh lở mồm long móng, phạt hành chính chủ lô thịt trên 47 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số thịt trên.

Phó Chi cục trưởng Thú y TP.HCM Huỳnh Tấn Phát cho biết, nguồn lợn nhập vào cơ sở chủ yếu từ Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre. Từ ngày 25/2, các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố không tiếp nhận nguồn lợn từ phía Bắc đưa vào.

Khi xe vào cơ sở giết mổ, cán bộ thú y kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch cùng với thông tin thực tế. Tiếp đến sẽ kiểm tra lâm sàng đối với từng xe. Mỗi xe vào cơ sở giết mổ phải thực hiện tiêu độc, khử trùng.

Ông Đặng Ngọc Hiệp, đại diện cơ sở giết mổ gia súc Xuyên Á cho biết: “cơ sở cam kết chỉ nhập heo ở khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ, không nhập lợn qua các trạm trung chuyển để tránh trường hợp lợn từ khu vực có dịch trà trộn vào. Hiện tại, cơ sở giết mổ gia súc Xuyên Á đã qua sự kiểm dịch của cán bộ thú y từ lúc xuất trại đến lúc cơ sở giết mổ nên chất lượng thịt đảm bảo khi ra thị trường”.

Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn chia sẻ: “Chúng tôi không cho lợn đông lạnh nhập vào chợ vì không phù hợp với mục tiêu kinh doanh heo tươi tại chợ”. Hiện tại, thịt tại chợ có xuất xứ từ các lò ở TP.HCM chiếm 75- 80%, lợn được từ các trang trại ở tỉnh Đồng Nai chiếm 54%, Bình Phước chiếm 26%, Bình Dương chiếm 8%, còn lại là các tỉnh lẻ./.

Nguyễn Lánh