Thấy quảng cáo hàng rẻ và đẹp, nhiều chị em tỉnh lẻ háo hức đặt mua qua mạng. Song, đến lúc nhận hàng, ai nấy đều ngã ngửa vì tốn một đống tiền để rồi bị lừa vì chất lượng hàng, hình dáng không như quảng cáo.
 


“Đôi giày giá 300.000 đồng. Muốn đặt hàng thì phải chuyển khoản trước. Em nghĩ là cửa hàng uy tín vì thấy số lượng người truy cập cũng như bình luận tương đối nhiều, liền chuyển tiền luôn. Chờ đợi, gọi điện giục, phải đến hai tuần sau đôi giày mới về đến quê. Đúng là sản phẩm có hình dáng, màu sắc giống hệt trong ảnh nhưng chất lượng thì không có gì để nói. Có lẽ đây là đôi giày cũ được tân trang lại, đường chỉ cũng như kiểu dáng trông rất xấu. Em đã phải vứt đôi giày ở nhà, không muốn xỏ vào”, Hằng tâm sự.

Tương tự như vậy, anh Bùi Đức Tuấn quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An đã phải bỏ ra gần 1 triệu đồng để mua bộ dụng cụ cơ khí Fish Price được giới thiệu là hàng nhập khẩu 100% từ Mỹ nhưng thực chất lại là hàng Trung Quốc.

Theo anh Tuấn, qua lời giới thiệu của một anh bạn ở TP.HCM, cửa hàng đồ chơi nhập khẩu đang có đợt khuyến mại, giảm giá tới 50%. Mong con được chơi đồ chơi an toàn, chất lượng cao, anh Tuấn không đắn đo bỏ ra 880.000 đồng, thanh toán trước. Khi nhận được bộ đồ chơi không như ý, anh Tuấn gọi cho cửa hàng và được trả lời hàng sản xuất tại Trung Quốc nhưng theo công nghệ Mỹ.

“Vợ mình rất bực. Cô ấy bảo bộ đồ chơi Tàu thế này chỉ 200.000-300.000 đồng. Đúng là kiểu buôn bán lừa đảo. Từ bé tới giờ, con trai mình bị dị ứng với mấy đồ chơi của Trung Quốc không đảm bảo an toàn. Tiền đã thanh toán rồi, mình đành phải mang cho người khác”, anh Tuấn nói.

Việc mua hàng qua mạng nhận được sản phẩm chất lượng không đi liền với giá cả đã có rất nhiều người gặp phải. Nhiều người sau khi mua hàng thấy bị lừa liền cảnh báo với các thành viên khác trên các mạng xã hội. Kinh nghiệm là người mua phải kiểm tra kỹ lưỡng, thậm chí người người trực tiếp đến xem sản phẩm có đúng như quảng cáo không mới mua.
 

Theo Vef

.