Đã đến lúc gạo Việt chuyển từ lượng sang chất
Cập nhật lúc 22:13, Thứ năm, 27/10/2016 (GMT+7)
Theo báo cáo từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt hơn 2,6 triệu tấn. Dự báo xuất khẩu gạo cả năm cũng chỉ ở mức khoảng 5,7 triệu tấn, giảm 15% so với năm 2015. Trong khi ước tính của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thì năm 2016, Việt Nam có đến 7,6 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu. Đây là lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua xuất khẩu gạo Việt Nam giảm mạnh xuống dưới mức 6 triệu tấn. (gạo Việt, Cục Trồng trọt)
(BVPL) - Theo báo cáo từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt hơn 2,6 triệu tấn. Dự báo xuất khẩu gạo cả năm cũng chỉ ở mức khoảng 5,7 triệu tấn, giảm 15% so với năm 2015. Trong khi ước tính của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thì năm 2016, Việt Nam có đến 7,6 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu. Đây là lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua xuất khẩu gạo Việt Nam giảm mạnh xuống dưới mức 6 triệu tấn.
Tại những thị trường lớn như: Philippines, Malaysia, Indonesia nhu cầu nhập khẩu không cao, thị trường Trung Quốc chi phối 30 - 35% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng trong tình trạng trầm lắng, thậm chí còn siết chặt lại việc buôn bán biên mậu với gạo Việt. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ xuất khẩu gạo nặng ký như: Myanmar, Pakistan, Campuchia, Ấn Độ hay việc Thái Lan xả gạo tồn kho giá rẻ từ giữa năm 2016. Những nguyên nhân gián tiếp và trực tiếp này đã tác động đến phân khúc gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới khiến cho xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay giảm về lượng lẫn giá.
Theo ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: Hiện tại, giá gạo trắng 5%, 15% tấm của Việt Nam đang ở mức thấp nhất thế giới, thấp hơn các đối thủ xuất khẩu khoảng 5 – 10 USD/tấn nhưng vẫn chưa thể ký được các hợp đồng mới.
Trong bức tranh ảm đạm của thị trường xuất khẩu gạo năm 2016 nổi lên một điểm sáng đó là sản lượng gạo thơm xuất khẩu tăng lên đáng kể, chiếm tỷ trọng trên 15%/năm trong tổng số gạo xuất khẩu. Song hành với tín hiệu vui lại là dấu hiệu đáng lo ngại khi chất lượng gạo thơm bị khách hàng nước ngoài phàn nàn do một số doanh nghiệp phối trộn gạo trắng để cạnh tranh giá bán. Tình trạng làm ăn khuất tất này đã được Hiệp hội lương thực Việt Nam cảnh báo từ lâu nhưng vẫn tiếp tục tái diễn do nhiều doanh nghiệp hám lợi trước mắt mà không tính đến yếu tố bền vững lâu dài.
Xuất khẩu gạo giảm mạnh trong thời gian qua đã cho thấy, quan niệm cạnh tranh bằng số lượng, giá rẻ xem ra không còn phù hợp với gạo Việt. Tính về giá rẻ, gạo Việt đang thất thế so với gạo Thái Lan khi nước này xả một lượng lớn gạo tồn kho giữa tháng 4 và thị trường châu Phi đã lựa chọn Thái Lan thay cho Việt Nam ở phân khúc gạo cấp thấp. Còn ở thị trường châu Âu, với phân khúc gạo chất lượng cao do thiếu đồng đều chất lượng, gạo Việt phải nhường sân cho Campuchia, Thái Lan và Myanma.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho rằng: Tình trạng cạnh tranh bằng số lượng giá rẻ mà không lưu tâm đến chất lượng cần phải nhanh chóng thay đổi mới tính được chuyện lâu dài. Đây chính là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Để chủ động ứng phó trước những bất lợi từ thị trường và nâng cao giá trị xuất khẩu, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết: đã đến lúc gạo Việt Nam phải chuyển hướng từ lượng sang chất. Muốn làm được điều này một trong những giải pháp quan trọng là việc tìm cho được những bộ giống lúa đạt chuẩn, không thể để tình trạng 6 - 7 giống lúa trên cùng một cánh đồng. Nếu chúng ta có những bộ giống tốt, sản xuất ra những loại gạo đặc sản có phẩm chất cao, cùng với đó là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo, xây dựng thương hiệu bài bản, phân khúc lại thị trường gạo xuất khẩu một cách rõ ràng, đồng thời giải quyết triệt để vấn đề dư lượng hóa chất trong sản xuất thì chắc chắn gạo Việt Nam sẽ tiến xa.
PV
.