Theo tính toán, với mức giá xăng dầu giảm 12% - 16% như hiện nay, mức giá cước vận tải có thể giảm 5% - 7%.
Tuy nhiên, đại diện nhiều DN vận tải cho hay, từ 3 năm nay đã không tăng giá cước vận tải, như các tuyến xe khách Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Thái Bình... và hầu hết các xe khách vẫn “gồng” mình giữ nguyên mức giá cước trong thời gian dài. Tuy nhiên, mặt bằng giá cước sẽ tiếp tục được điều chỉnh tới đây.
Với những DN vận tải đã từng tăng giá cước theo thị trường nguyên liệu, động thái giảm giá cũng khá rõ rệt. Ông Hồ Chương, Phó chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cho biết, từ 14/11, Mai Linh sẽ giảm giá cước taxi tại Hà Nội và TP HCM từ 500 – 2.000 đồng/km. Trước đó, tại Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Tây Nguyên... giá cước hãng này đã giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/km.
Tại Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội cho biết, taxi Thanh Nga đã giảm 700 đồng/km; Taxi Group giảm 300 đồng/km và nhiều hãng taxi khác đang hoàn tất thủ tục giảm giá.
Còn theo ông Bùi Việt Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải thủy, lần điều chỉnh giá gần nhất của DN là tháng 3/2011, lúc đó giá xăng là 21.100 đồng/lít, nay giá xăng 21.390 đồng/lít. Dù giá xăng có tăng cộng thêm hàng loạt chi phí nâng lên thời gian qua, nhưng DN vẫn giữ nguyên giá cước. “Chính vì DN chia sẻ với khách hàng suốt thời gian qua, nên vừa rồi, khi giá xăng giảm liên tiếp, không khách hàng nào yêu cầu DN giảm giá cước”, ông Hoàng nói.
Đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, với mức giá xăng dầu giảm 12% - 16% như hiện nay, mức giá cước vận tải có thể giảm 5% - 7%. Tuy nhiên, không phải các doanh nghiệp sẽ giảm giá đồng loạt theo mức nêu trên mà các doanh nghiệp sẽ tính toán lại, nếu doanh nghiệp nào đã tăng từ đầu năm nhưng chưa giảm lần nào sẽ phải giảm giá tương ứng mức giảm của giá xăng dầu, doanh nghiệp nào đã giảm thì tiếp tục điều chỉnh cho hợp lý hơn.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, từ năm 2011 đến nay, cước vận tải hàng không luôn thấp hơn giá trần; Vận tải thủy chỉ giảm, không tăng; Đường sắt liên tục giảm. Còn đường bộ, nhiều DN vận tải đã và đang đăng ký giảm giá, đồng thời Bộ GTVT, các hiệp hội, Sở GTVT địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các DN đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thông tin từ Hiệp hội Vận tải TP HCM cho biết, hầu hết các DN vận tải lớn đều đã giảm giá cước 5 - 10%.
Trong tháng 11 này, đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tài chính và GTVT sẽ làm việc với một số doanh nghiệp vận tải có thị phần lớn tại các địa phương. Theo đó sẽ kiểm tra kết quả hoạt động kinh doanh 3 năm (2012 - 2014): Doanh thu, chi phí, lợi nhuận trước thuế của 3 năm trên cơ sở báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh đã được quyết toán, kiểm toán; Giá thành vận tải tại thời điểm hiện nay, tác động của giá xăng dầu đến giá thành vận tải của doanh nghiệp. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp đưa ra kế hoạch điều chỉnh giá cước vận tải trong bối cảnh chi phí đầu vào có xu hướng giảm./.
Theo VOV