|
|
Quy hoạch tỷ lệ 1/500 công viên điều hòa Nhân Chính. |
Tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội mới đây, trả lời báo chí về việc công viên điều hòa Nhân Chính được đầu tư gần 300 tỷ, cơ bản phần công viên đã hoàn thành nhưng chưa được đưa vào sử dụng khiến người dân không đồng tình, ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho rằng: Hiện dự án chưa thể hoàn thành do còn một số hạng mục vướng mắc về mặt bằng nên vẫn chưa thể bàn giao và đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân được. Cụ thể, hạng mục xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp với thương mại dịch vụ khu đất công viên Nhân Chính nằm trong khu đất công viên Nhân Chính được UBND thành phố chấp thuận quy mô đầu tư 5 tầng hầm, do Công ty TNHH Dịch vụ phát triển thương mại Phúc Lợi là nhà đầu tư. Tuy nhiên, Công ty TNHH Dịch vụ phát triển thương mại Phúc Lợi chưa triển khai và họ cho rằng khó thu hồi vốn đầu tư.
Một nguyên nhân nữa là hạng mục cống hóa mương Hòa Mục đoạn qua công viên hồ điều hòa Nhân Chính hiện vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Trong quá trình thực hiện dự án một số hộ dân thuộc phường Nhân Chính có đơn kiến nghị về công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 từ năm 2006. Ngày 15/5/2017, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 2768/QĐ-UBND về việc giao Thanh tra thành phố thụ lý và xác minh, giải quyết đơn. Sau khi UBND thành phố ban hành kết luận, UBND quận Thanh Xuân sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng để triển khai thi công tiếp hạng mục cống hóa mương Hòa Mục và các hạng mục đường dạo, bồn hoa, cây xanh…
Cũng theo ông Thái, thêm một lý do khiến công viên Nhân Chính chưa được đưa vào sử dụng là quận Thanh Xuân đang kiến nghị UBND TP. Hà Nội bàn giao cho quận quản lý trong thời gian 3 – 5 năm để vận hành, bảo trì. Tuy nhiên, kiến nghị của quận vẫn chưa được UBND thành phố cho ý kiến cuối cùng.
Theo như Ban Quản lý dự án quận Thanh Xuân, Dự án công viên Nhân Chính có hợp phần bãi đỗ xe ngầm, xây dựng bãi đỗ xe này phải đầu tư với số tiền rất lớn, ngân sách hạn hẹp nên cần nguồn ngân sách xã hội hóa. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp vào đầu tư lĩnh vực này họ phải tính lợi nhuận. Vì họ phải bỏ nhiều tiền để làm mà khi thu lại khó khăn nên họ không mặn mà. Vì thế, quy mô của dự án có thể được điều chỉnh lại và dần tách khỏi công viên để công viên sớm đi vào hoạt động.
Như báo BVPL đã thông tin, Dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính (công viên Nhân Chính) được chính thức khởi công tháng 5/2016, với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách. Dự án được dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2017. Đến nay, tiến độ đã bị chậm hơn 1 năm và cũng chưa có dấu hiệu khởi động lại. Dự án công viên Nhân Chính được tọa lạc tại khu đất “vàng” phía Tây Nam Hà Nội. Khu đất này được bao bọc bởi các khu chung cư cao cấp như: Trung Hòa - Nhân Chính, Hòa Phát Mandarin, Vincom, Thăng Long Number One, Vinaconex...
Dự án này được thiết kế, xây dựng đồng bộ từ khu công viên đến khu bãi đỗ xe ngầm cùng với cảnh quan cây xanh bao bọc xung quanh. Đây là điểm nhấn, và là khu vực điều hòa cho cư dân Trung Hòa, Nhân Chính và dân cư phụ cận. Hợp phần chính là công viên với số vốn của Nhà nước cơ bản đã hoàn thiện, những hợp phần còn lại chủ yếu vướng về xã hội hóa và những khiếu nại của người dân hàng chục năm chưa được giải quyết. Theo như trả lời của UBND quận Thanh Xuân, từ những vướng mắc như trên thì không biết dự án này đến khi nào mới đưa vào hoạt động nên người dân vẫn phải chờ đợi?.
Theo tìm hiểu của PV, trong quy hoạch công viên điều hòa Nhân Chính tỉ lệ 1/500 có phía Đông Nam giáp đường Lê Văn Lương; phía Tây Nam giáp đường Khuất Duy Tiến; phía Đông Bắc giáp đường Hoàng Minh Giám; phía Tây Bắc giáp đường quy hoạch, liền kề khu liên cơ thành phố. Theo quy hoạch này phía đường Lê Văn Lương là khu vực giáp đường và có cây xanh. Tuy nhiên, hiện nay mặt đường này có hàng loạt showroom bán ô tô, bãi giữ xe, Trung tâm tổ chức hội nghị… Về vấn đề khu đất này vẫn chưa có sự giải thích rõ ràng từ UBND quận Thanh Xuân?. Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Lê Sử