|
|
Cổng công viên Nhân Chính dành để xe ô tô. |
“Dài cổ” chờ công viên
Dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính (công viên Nhân Chính) được chính thức khởi công tháng 5/2016, với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2017. Đến nay, tiến độ bị chậm hơn 1 năm và cũng chưa có dấu hiệu khởi động lại.
Dự án công viên Nhân Chính được tọa lạc tại khu đất “vàng” phía Tây Nam Hà Nội. Khu đất này được bao bọc bởi các khu chung cư cao cấp Trung Hòa – Nhân Chính, Hòa Phát Mandarin, Vincom, Thăng Long Number One, Vinaconex... Khi dự án Công viên Nhân Chính được khởi động xây dựng, người dân nơi đây rất vui mừng.
Ông Nguyễn Việt Anh, một cư dân ở tòa nhà Hòa Phát Mandarin cho biết: Khi ông mua căn phòng ở đây, ông đã lựa chọn hướng ban công ra phía công viên. Vì ông được biết, sẽ có một công viên hồ điều hòa được xây dựng ngay khu nhà ông mua. “Chúng tôi vui mừng vì sau thời gian dài gián đoạn vì nhiều lý do, năm 2016, công viên Nhân Chính cũng được khởi công. Sau hơn một năm thi công, chúng tôi thấy công viên đã hiện hình và rất đẹp. Tuy nhiên, không hiểu vì sao cả năm nay, công viên cơ bản hoàn thành nhưng người dân vẫn chưa được sử dụng” – ông Anh bày tỏ sự thất vọng.
Vướng mắc do đâu?
Được biết, dự án công viên Nhân Chính được UBND TP. Hà Nội giao cho quận Thanh Xuân GPMB và thu hồi đất từ năm 2003 để thực hiện. Sau hơn 3 năm thực hiện, đến năm 2006, dự án mới hoàn thành công tác đền bù. Số tiền đền bù mà Nhà nước đã bỏ ra khoảng 40 tỷ đồng.
Thực hiện xong công tác đền bù, thành phố chủ trương xã hội hóa để xây dựng công viên này. Lúc đó, Công ty Cổ phần tập đoàn Vina Megastar tiếp nhận, quản lý khu đất và nghiên cứu đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, Công ty này không thực hiện được dự án mà để cho việc lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích gây mất trật tự đô thị. Sau Vina Megastar, đến Tập đoàn Ocean Group “để ý” đến dự án này, song Tập đoàn này cũng để “lỡ hẹn” đối với dự án bởi năm 2014, Chủ tịch Tập đoàn này vướng vào lao lý.
Để thực hiện dự án, UBND TP. Hà Nội quyết định giao cho UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư và chỉ xây dựng khu công viên với mức đầu tư 300 tỷ đồng. Diện tích đất xây dựng công viên Nhân Chính khoảng 13,23ha, được chia làm 3 khu chức năng. Trong đó, hồ điều hòa khoảng 8ha; công viên cây xanh, khu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí kết hợp các hoạt động thể thao ngoài trời, đường dạo, khoảng 5,2ha. Công viên được xây dựng 2 cổng ra vào bảo đảm đáp ứng yêu cầu của người dân. Công trình có nhà điều hành 2 tầng và các công trình công cộng phục vụ vui chơi, lễ hội... Trong đó, có bãi đỗ xe diện tích khoảng hơn 1.300m2... Ngoài ra, dự án còn có hạng mục xã hội hóa sẽ thực hiện như bãi đỗ xe ngầm, công trình đường kính dưới lòng hồ.
Sỡ dĩ công viên Nhân Chính chậm tiến độ và chưa thể bàn giao để đi vào hoạt động, theo tìm hiểu của PV có thể dự án này đang vướng vào bãi đỗ xe ngầm. Được biết, bãi đỗ xe ngầm này được thiết kế hiện đại, có 5 tầng và là một trong những dự án điểm đậu xe ngầm của thành phố. Tuy nhiên, để đồng bộ trong việc thi công và bàn giao với công viên thì bãi đỗ xe ngầm này hiện nay vẫn chưa được thực hiện và quận Thanh Xuân đang có nhiều văn bản để điều chỉnh quy mô cho phù hợp với dự án.
Vướng mắc tiếp theo là dự án xây dựng kênh mương Hòa Mục đi qua công viên Nhân Chính vẫn đang được xử lý và có khó khăn về GPMB. Trong khi, hạng mục công viên Nhân Chính có phần phối cảnh dạo bộ, bồn hoa, cây xanh khi kênh mương Hòa Mục được cống hóa.
Hơn nữa, trong phối cảnh tổng thể dự án công viên Nhân Chính, mặt đường Lê Văn Lương là nơi công viên tiếp giáp. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV thì hiện nay, mặt đường này tồn tại hàng loạt các công ty bán xe ô tô, nhà hàng tổ chức sự kiện... Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến công viên Nhân Chính chưa được đưa vào sử dụng?. Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả.
Lê Sử